“Câu hỏi doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lực đất đai thuận lợi hơn, công khai, minh bạch hơn vẫn chưa rõ câu trả lời”, đại biểu Phan Đức Hiếu lý giải.
Thưa ông, sáng nay, thứ Năm (3/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đất đai. Ông nghĩ thế nào về Dự thảo Luật Đất đai mà Chính phủ trình Quốc hội kỳ này?
Khi tiếp cận Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quan điểm của tôi là lần sửa đổi này phải đạt được 2 mục tiêu chính.
Một là, giải quyết được những bất cập về đất đai đang xảy ra.
Hai là, đưa đất đai trở thành một nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, của đất nước trong 10 năm, 20 năm nữa và xa hơn.
Nghĩa là, cần cơ chế mới để phát huy nguồn lực đất đai. Tôi chưa nhìn thấy rõ nét các nội dung này trong Tờ trình của Chính phủ.
Cụ thể, theo ông, đâu là những vấn đề cần làm rõ vào thời điểm này, khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội xin ý kiến?
Đầu tiên là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây là định chế quan trọng. Toàn bộ nội dung quyết sách các vấn đề về đất đều gắn với yêu cầu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nếu thực hiện tốt, nó sẽ là công cụ để thúc đẩy sự phát triển, phân bổ nguồn lực hiệu quả, phát triển một cách bài bản, khoa học, ngăn nắp, tạo sự thuận tiện trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng nếu không, như chậm trễ, không tương thích…, thì sẽ là rào cản lớn trong phát triển và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ công tác lập quy hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao chất lượng lập quy hoạch, nhất là việc tham vấn người dân. Hiện nay, theo tôi, đây là khâu yếu nhất. Nhiều người dân trong vùng quy hoạch không có cơ hội đóng góp ý kiến một cách thực chất, theo nghĩa không dễ tiếp cận thông tin, tham gia góp ý và nghe giải trình nếu không được tiếp thu. Việc công khai thông tin trên các trang thông tin của bộ, ngành không đủ với những người dân có thể bị mất quyền lợi trên diện tích đất đang sử dụng.
Hơn thế, việc việc thông tin sớm, đầy đủ, dễ tiếp cận trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cũng hạn chế nhu cầu đầu cơ đất đai.
Trong câu chuyện quy hoạch, đang nổi lên vấn đề xác định thế nào về tiêu chí các quy hoạch phải phù hợp với nhau. Câu hỏi là tiêu chí nào sẽ được xác định thế nào với các quy hoạch được lập theo thời gian khác nhau, cấp khác nhau, các ngành khác nhau; nếu có sự khác nhau thì tuân thủ theo quy hoạch nào; nếu quy hoạch cấp dưới ra sau, cập nhật bối cảnh hơn quy hoạch cấp trên thì sẽ xử lý thế nào.
Vấn đề này nếu không nêu rõ trong Luật Đất đai sửa đổi, thì cần nêu rõ trong các văn bản luật liên quan, nếu không sẽ lại gây thêm rào cản.
Thứ hai là kế hoạch sử dụng đất. Mục tiêu của kế hoạch sử dụng đất là nhằm sử dụng đất hiệu quả, nhưng câu hỏi là Nhà nước, chính quyền địa phương có cần, có nên xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp hay không, khi đã có căn cứ là quy hoạch sử dụng đất.
Nếu các kế hoạch của người dân, doanh nghiệp còn phải căn cứ cả vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương, thì rất có thể sẽ phát sinh thêm thủ tục để xin vào hoặc có thể là xin ra…
Thưa ông, khi trao đổi với các doanh nghiệp, câu hỏi lớn nhất mà họ quan tâm là với những sửa đổi sắp tới, cơ hội tiếp cận nguồn lực đất đai của họ có dễ dàng, thuận tiện và rẻ hơn không, thưa ông?
Tôi cũng đồng tình đây là câu hỏi quan trọng nhất mà Luật Đất đai sửa đổi cần trả lời, nếu không, việc phân bổ nguồn lực đất đai cho sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục là điểm nghẽn lớn.
Khi tham khảo kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hàng năm, có thể thấy rõ, trong các thủ tục hành chính còn phiền hà, thì thủ tục về đất đai luôn đứng nhóm đầu tiên, không thứ nhất thì thứ hai. Trong số các doanh nghiệp được điều tra, cứ 2 doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận đất, thì một doanh gặp khó khăn. Đáng nói, đây không phải là vấn đề mới.
Cũng cần làm rõ, về phân bổ nguồn lực đất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh có thể chia ra một số mục tiêu.
Một là, phân bổ cho các công trình, hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng. Phần này đã khá rõ ràng trong Dự thảo, chỉ cần làm rõ tiêu chí để tránh lạm dụng, cơ chế bồi thường công bằng, minh bạch, thỏa đáng.
Hai là, phân bổ cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều mà doanh nghiệp đang quan tâm và đang có nhiều quan ngại. Trong nội dung này, yêu cầu cần được giải quyết là cho những dự án đang dở dang và nguồn lực đất đai tiếp tục được đưa vào sản xuất, kinh doanh thông suốt.
Quan điểm của tôi là, phân bổ nguồn lực sử dụng đất cần thông qua các công cụ thị trường, đảm bảo lợi ích lâu dài của người sử dụng đất. Có nghĩa là, phải phát triển thị trường quyền sử dụng đất, thu hẹp các công cụ hành chính như giao đất không qua đấu giá, đấu thầu.
Đặc biệt, phải phát triển được thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường thứ cấp, để có quy định rõ ràng hơn, trao quyền cho người nhận quyền sử dụng đất thứ cấp; đảm bảo tính ổn định tương đối của thị trường để bảo vệ lợi ích của các bên.
Cùng với đó, cần quy định rõ các quy định về công khai, minh bạch, cơ sở dữ liệu về đất đai, giảm tối đa dư địa của đầu cơ đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã dành một chương về thủ tục đất đai. Ông có nhìn thấy những thay đổi như kỳ vọng?
Phải nói rõ, lần sửa đổi này, tôi kỳ vọng nhiều nhất là thay đổi căn bản thủ tục về đất đai. Nhưng Chương XIV về thủ tục hành chính về đất đai mới liệt kê thủ tục, chưa có nội hàm, khiến tôi băn khoăn.
Theo tôi, cải cách thủ tục không chỉ là cắt giảm thời gian, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa hồ sơ, mà là đặt trong tổng thể các thủ tục để triển khai một dự án đầu tư xây dựng, trong đó thủ tục đất đai là một mắt xích hợp lý trong tổng thể các chuỗi thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…, không lấn sân, không bao trùm, không gây ra xung đột.
Thực ra, chúng ta đã nói nhiều lần, nếu đặt riêng từng luật thì thủ tục là hợp lý, nhưng đặt trong chuỗi các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư và từ góc độ của nhà đầu tư thì bất cập xuất hiện, chồng chéo, không rõ ràng trước sau…
Đây là cách thức mà Dự thảo Luật Dầu khí đang làm.
Đặc biệt, tôi đề nghị các thủ tục phải được quy định trong luật, với các nguyên tắc cơ bản, chứ không thể trao toàn quyền cho Chính phủ như trong Dự thảo.