Phân bảng UPCoM, kỳ vọng cổ phiếu Top trên sôi động

(ĐTCK) Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium và Bộ nguyên tắc phân bảng Cảnh báo NĐT. Việc phân loại cổ phiếu và cho phép giao dịch ký quỹ (margin) đối với nhóm cổ phiếu chất lượng trên UPCoM  được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mới cho sàn này.
Sàn UPCoM có cơ hội thu hút dòng tiền, gia tăng thanh khoản trong thời gian tới Sàn UPCoM có cơ hội thu hút dòng tiền, gia tăng thanh khoản trong thời gian tới
Theo Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium (có hiệu lực từ ngày 24/6), bảng UPCoM Premium sẽ bao gồm cổ phiếu của các DN đáp ứng tiêu chí về tình hình tài chính và ý thức tuân thủ quy định công bố thông tin. Còn theo Bộ nguyên tắc phân bảng Cảnh báo NĐT, đối tượng bị đưa vào danh sách là các cổ phiếu bị hạn chế hoặc tạm ngừng giao dịch.

Ngoài việc đưa ra các tiêu chí phân loại cổ phiếu, điểm đáng chú ý của Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium là chứng khoán đăng ký giao dịch thuộc bảng này sẽ được giao dịch ký quỹ nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Hiện tại, cổ phiếu trên UPCoM không thuộc đối tượng được giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, sắp tới, khi Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK (thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC) có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhiều cổ phiếu trên UPCoM cũng sẽ được giao dịch ký quỹ.

Cụ thể, Thông tư 203 quy định, chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của UBCK.

Nhều thành viên thị trường đánh giá, phân bảng trên UPCoM sẽ giúp NĐT dễ dàng hơn trong việc nhận diện cơ hội đầu tư. Thay vì phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu và phân tích các cổ phiếu trên sàn này, NĐT có thể tập trung tìm kiếm những cổ phiếu chất lượng thông qua bảng UPCoM Premium. Bên cạnh đó, cơ chế cho phép cổ phiếu thuộc bảng này được giao dịch ký quỹ sẽ giúp gia tăng dòng tiền và thanh khoản cho UPCoM, gia tăng cơ hội thu lợi nhuận cho NĐT.

Thực tế, tăng thanh khoản và sức hấp dẫn cho UPCoM là một trong những công việc trọng tâm của cơ quan quản lý. Hiện sàn UPCoM có gần 300 loại cổ phiếu được giao dịch, trong đó có nhiều cổ phiếu của DN lớn, vốn cả nghìn tỷ đồng.          

“Cổ phiếu Top trên có cơ hội tăng giá, tăng thanh khoản”

 Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối Phân tích,  CTCK Bảo Việt (BVSC)

 Phân bảng cổ phiếu trên UPCoM, nhóm cổ phiếu Top trên sẽ được hưởng nhiều lợi thế về dòng tiền, biến động giá và đặc biệt là thanh khoản. Trong khi đó, NĐT sẽ được cảnh báo rủi ro với cổ phiếu thuộc Bảng cảnh báo.

Trên sàn UPCoM, hiện có thể chia cổ phiếu thành 2 loại. Một là nhóm cổ phiếu biến động, gồm các cổ phiếu có nhiều thông tin dạng đột biến, giá dao động mạnh, hoặc cổ phiếu mới lên sàn sau IPO. Các cổ phiếu này hấp dẫn NĐT lướt sóng, thu hút dòng tiền đầu cơ. Trước đây, một số CTCK vượt rào để cho NĐT vay ký quỹ, nhưng nhìn chung là không lớn.

Chính vì vậy, khi quy định cho phép giao dịch ký quỹ có hiệu lực, sẽ tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu thứ hai là các cổ phiếu cơ bản, ổn định. Đối với nhóm này, tác động của quy định trên là không lớn, bởi dòng tiền vào các cổ phiếu chủ yếu là dòng tiền giá trị thật từ các NĐT tổ chức hoặc các NĐT có chiến lược đầu tư dài hạn. 

“Sàn UPCoM sẽ có cú hích khá lớn”

 Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

 Tôi đánh giá, phân bảng cổ phiếu UPCoM sẽ có tác động tích cực tới thị trường. Năm qua và những tháng đầu năm nay, UPCoM có “sóng” và thanh khoản tăng bởi có nhiều cổ phiếu chất lượng, nhưng điểm hạn chế là không được margin, trong khi nhu cầu margin của NĐT khá cao. Việc HNX tạo cơ chế mở đường cho giao dịch ký quỹ cùng việc phân loại cổ phiếu trên sàn UPCoM sẽ tạo ra cú hích khá lớn cho thị trường này.

Liên quan đến thanh khoản trên UPCoM, thời gian qua, các văn bản pháp luật thúc DNNN sau cổ phần hóa lên UPCoM như Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Thông tư 180/2015/TT-BTC… đã tạo ra lượng hàng lớn cho UPCoM. Càng nhiều hàng hóa thì càng thu hút được NĐT. Bên cạnh đó, việc nới biên độ dao động giá từ 10% lên 15% giúp các NĐT hào hứng hơn khi tham gia thị trường, nhờ đó thanh khoản được cải thiện đáng kể.

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục