Phạm Nhật Vũ và ẩn số mang tên AVG

Mới đây, CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) tuyên bố gia nhập vào thị trường truyền dẫn phát sóng. Thế nhưng, một số chuyên gia viễn thông lại cho rằng sớm muộn AVG sẽ nhảy vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng và đây thực sự là ẩn số.
Phạm Nhật Vũ và ẩn số mang tên AVG

Phạm Nhật Vũ và ẩn số mang tên AVG ảnh 1

Tiến vào thị trường truyền dẫn phát sóng

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG cho biết, công ty này đang thực hiện dự án xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số. AVG làm cả truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH). Như vậy, AVG là đơn vị tư nhân thứ hai tham gia vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số vệ tinh ở Việt Nam . Trước đó là K+ (liên doanh của VTV với một đối tác nước ngoài, còn nay là AVG là công ty Việt Nam .

Mới đây, AVG đã đã khai trương Trung tâm Giám sát và Điều độ vận hành mạng từ xa (NCC). Đây là phần quan trọng trong dự án xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình và cung cấp dịch vụ truyền hình. Sự kiện này là cột mốc quan trọng trong việc triển khai dự án xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình và cung cấp dịch vụ truyền dẫn hình của AVG. Đây cũng sẽ là một bước tấn công mạnh mẽ của AVG vào thị trường truyền hình trả tiền. NCC được thiết kế tổng khống chế để kiểm duyệt nội dung và kiểm soát phát sóng, hỗ trợ kiểm soát từ xa mà ở Việt Nam hiện chưa Đài PT-TH nào có. Bên cạnh đó, NCC có những tính năng khác, ví dụ biết được nhiệt độ tại trạm phát sóng, chất lượng phát sóng, âm thanh của từng kênh để điều chỉnh tức thời. NCC là công cụ trang bị để chăm sóc khách hàng, đảm bảo chất lượng dịch vụ mà AVG cung cấp đến các hộ dân. NCC có thể kiểm soát chất lượng tín hiệu đến khu vực dân cư, nhưng kiểm tra tín hiệu đến từng nhà dân thì cần có đường tương tác ngược, có thể phát hiện được lỗi là do sóng hay do thiết bị.

Ông Ngô Thái Trị, Phó Tổng giám đốc AVG cho biết, hệ thống này sẽ theo dõi 24/24 vận hành quan sát và điều chỉnh các thiết bị của hệ thống một cách tự động. Đây là hệ thống hiện đại nhất và đầu tiên của Việt Nam . Hệ thống giám sát này ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, sẽ giảm thiểu tối đa nguồn nhân lực, giảm chi phí và giảm giá thành dịch vụ. Ông Ngô Thái Trị cho biết, AVG là một trong 3 đơn vị được xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên toàn quốc. Vì vậy thị trường truyền dẫn phát sóng đã có sự cạnh tranh mạnh ngay từ ban đầu. Trong cuộc đua này, đơn vị nào cũng cấp dịch vụ có chất lượng tốt và giá cả hợp lý sẽ hút được khách hàng. Hệ thống NCC sẽ là yếu tố bắt buộc để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng của AVG.

 

Thị trường viễn thông với ẩn số AVG

Theo ông Ngô Thái Trị, tháng 5/2011, AVG mới được Bộ TT&TT cấp phép thiết lập hạ tầng mạng. Hiện AVG đang bắt tay vào xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng ở một số thị trường lớn. Những nơi xa, chưa triển khai thì AVG sẽ tiến hành thuê của các doanh nghiệp khác như VNPT. Ông Ngô Thái Trị cho rằng, việc xây dựng hạ tầng cũng hết sức khó khăn. "VTV phát sóng chính thức năm 1974, nhưng đến nay mới phủ sóng chưa đầy 90% số hộ gia đình. Như vậy, việc phủ sóng cung cấp dịch vụ không hề đơn giản. Chẳng hạn, 3- 4 năm tới AVG có thể phủ sóng tới 50 – 60% số hộ gia đình. Nhưng càng về sau thì việc phủ sóng càng khó khăn bởi biểu đồ phủ sóng không theo đường tịnh tiến và chi phí ngày càng lớn", ông Ngô Thái Trị nói và cho biết thêm, cho dù đã được cấp một số giấy phép viễn thông nhưng AVG vẫn đang tính toán với thị trường này.

Sau khi AVG có được giấy phép thiết lập hạ tầng mạng, đặc biệt có băng tần để thực hiện việc truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu AVG có nhảy vào thị trường viễn thông hay không? Một chuyên gia viễn thông đã đưa ra nhận định rằng, với những tài nguyên được cấp và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, rất có thể AVG sẽ nhảy vào thị trường di động trong tương lai. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường di động hiện nay thì chắc chắn AVG cũng sẽ toan tính để có bước đi thích hợp khi tham gia thị trường này.

Thực tế ở Việt Nam , tất cả các đại gia đều mong muốn nhảy vào thị trường di động, nơi được cho là “chảo lửa” của thị trường viễn thông. Vào đầu những năm 2000, Tập đoàn Điện lực, Viettel, SPT đã bước vào cuộc chơi di động và người "trượt vỏ chuối" là Đài Truyền hình Việt Nam khi lỡ cuộc chơi vào thị trường này. Sau đó có thêm Hanoi Telecom, Gtel đã lần lượt tham gia. Mới đây, hai đại gia được nhận định là mang "hình thái tư bản kiểu Việt Nam" là FPT, Saigon Tel cũng nuôi tham vọng bước chân vào thị trường này.

Những động thái trên cho thấy những ông chủ nằm trong danh sách những người giầu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán đã lần lượt tuyên bố tiến vào thị trường di động. Trong số hàng đại gia của Việt Nam thì AVG cũng là tên tuổi lớn. Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản Công ty AVG là em trai ông chủ Công ty Vincom Phạm Nhật Vượng (người giàu nhất Việt Nam hiện nay căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán). Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm hiện là cổ đông lớn nhất của AVG. Như vậy, đại gia AVG có tiến vào thị trường di động hay không vẫn còn là một ẩn số cho dù nhiều chuyên gia viễn thông nhận định nó chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Một chuyên gia viễn thông đã đưa ra nhận định rằng, với những tài nguyên được cấp và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, rất có thể AVG sẽ nhảy vào thị trường di động trong tương lai.


Ictnews

Tin cùng chuyên mục