Đứng dậy sau vấp ngã
Sau một thời gian khủng hoảng tinh thần vì Dự án Giặt là công nghiệp Green Tech thất bại, Phạm Bá Mạnh quyết định bắt đầu lại hành trình khởi nghiệp. Với sở trường về công nghệ thông tin, chàng trai sinh năm 1981 tạo lập nền tảng công nghệ An Vui - giải pháp tổng thể cho đơn vị vận tải hành khách đường dài, dùng để khớp lệnh hàng hoá, kết nối cung cầu vận tải xe khách đường dài…
“Thời điểm sau khi tôi thất bại ở Dự án Green Tech, các hãng Uber, Grab bắt đầu được nhiều người biết đến trong lĩnh vực vận tải. Tôi tìm hiểu và cũng muốn bước vào lĩnh vực này, nhưng xác định sẽ đi bằng một con đường khác. Con đường đó phải chưa có một ông lớn thống trị và rất khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài”, Phạm Bá Mạnh kể lại.
Anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường và nhận thấy, trong lĩnh vực vận tải đường dài tại Việt Nam hiện có khoảng 21.000 nhà xe, doanh thu toàn ngành rất lớn, đạt khoảng 2,1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà xe vẫn đang quản lý thủ công, chưa kiểm soát được chất lượng dịch vụ và thông tin đến khách hàng.
Thực tế này khá phù hợp với các ý tưởng mà Phạm Bá Mạnh đang hướng đến. Bởi vậy, anh quyết định gom tất cả những gì mình có để xây dựng doanh nghiệp. Tháng 7/2017, Công ty cổ phần Công nghệ An Vui được thành lập và bắt đầu công bố sản phẩm ra thị trường.
Sản phẩm của An Vui được xây dựng trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Google, sử dụng dữ liệu lớn BigData và BigQuery. Các phân hệ phần mềm được tương tác với nhau theo thời gian thực, giúp các nhà vận tải cải thiện công tác quản lý, điều hành và mở rộng thị trường.
Giúp nhà xe tăng lợi nhuận
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng “chiến đấu” khi công bố sản phẩm đầu tiên ra thị trường, nhưng Phạm Bá Mạnh khá bất ngờ, khi An Vui được rất nhiều nhà xe lớn đón nhận.
“Các nhà xe rất thiện chí, bởi họ đang quản lý thủ công, không biết phải giải quyết vấn đề thất thoát thế nào. Thêm một điều may mắn nữa cho chúng tôi, sự cạnh tranh gay gắt của taxi truyền thống với các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài đã làm cho các nhà xe thấy rõ hơn sự cần thiết phải hoàn thiện, nâng cấp thương hiệu và dịch vụ”, Phạm Bá Mạnh chia sẻ.
CEO An Vui cho biết, những nhà xe lớn hợp tác với Công ty sẽ được trang bị từ nền tảng quản trị đến phần mềm bán vé, quản lý… Nền tảng này giúp nhà xe quản trị hệ thống, bảo mật thông tin hành khách, nâng cao uy tín.
Trong quá trình tiếp cận với khách hàng, đội ngũ An Vui cũng bị một số nhà xe từ chối, nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều ông chủ nhà xe đã quyết định sử dụng An Vui sau thời gian dùng thử và đạt hiệu quả tích cực. Đơn cử, trường hợp của Interbusline - một hãng vận tải tại khu vực phía Bắc, kết quả dùng thử nền tảng An Vui trong 6 tháng cho thấy, doanh thu của nhà xe tăng 30%... Ông Tùng, đại diện Interbusline chia sẻ, sau khi sử dụng An Vui, doanh thu của Interbusline tăng theo hàng tháng.
“Chúng tôi định hướng xây dựng An Vui trở thành một hệ sinh thái cho ngành vận tải xe khách đường dài. An Vui giúp nhà xe chuyển mình từ nhà xe truyền thống sang nhà xe thông minh qua phần mềm quản trị; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xe khách quản lý xe bằng hệ thống quản trị riêng, giúp nhà xe chủ động quảng bá, đưa ra các chính sách thu hút khách hàng, tăng hiệu quả kinh tế. Phương châm kinh doanh của chúng tôi là, nếu không giúp các nhà xe tăng lợi nhuận, chúng tôi sẽ không thu bất cứ khoản phí nào của nhà xe”, CEO An Vui chia sẻ.
Với phương châm đó, cộng với nỗ lực của toàn thể đội ngũ, đến nay, An Vui đã đạt được gần hết những mục tiêu ngắn hạn đề ra. Công ty đã và đang hợp tác, cung ứng nền tảng dịch vụ cho gần 70 nhà xe lớn trên cả nước, doanh thu tăng trưởng 20 -30% hàng tháng,“thu đủ bù chi” và bắt đầu có lãi.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, Phạm Bá Mạnh cho biết, anh và đội ngũ cộng sự mong muốn đưa mô hình An Vui sang những nước có ngành vận tải đường dài tương tự Việt Nam. Anh đang nhắm tới thị trường Myanmar và Philippines.
“Muốn thực hiện được kế hoạch đó, chúng tôi cần thời gian tích lũy tài chính. Phía trước, An Vui còn rất nhiều việc phải làm, từ hoàn thiện sản phẩm đến mở rộng thị trường…”, Phạm Bá Mạnh nói.
Trò chuyện với CEO Phạm Bá Mạnh:
Trước khi thành lập An Vui, anh đã khởi nghiệp với các dự án nào?
Tháng 8/2007, tôi và hai người bạn thành lập Công ty cổ phần Công nghệ ATO, chuyên quản lý và phân phối các thiết bị mã số, mã vạch. Hiện tại, ATO có hơn 100 nhân viên và có văn phòng ở 3 miền đất nước.
Năm 2013, sau khi ATO đã ổn định, tôi thực hiện Dự án Giặt là công nghiệp Green Tech. Tuy nhiên, Dự án có những điểm sai lầm và đã phải dừng lại sau hơn một năm hoạt động, thiệt hại cũng khá lớn.
Khó khăn lớn nhất với anh khi đứng dậy lập nghiệp sau cú ngã đó là gì?
Khi xây dựng An Vui, khó khăn nhất với tôi là vấn đề tài chính và lòng tin. Chính vì vậy, tôi quyết tâm để không thất bại một lần nữa.
An Vui đã có kế hoạch gọi vốn chưa?
Hiện nay, An Vui chưa gọi bất kỳ quỹ nào. Quan điểm của tôi là, nếu không tự đi được trên đôi chân của mình, thì sẽ không thể bay được trên đôi cánh của những người khác. Khi đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư đường dài vào An Vui.