Phải từ cư dân thông minh mới có đô thị thông minh

(ĐTCK) Hà Nội, TP.HCM đang phải đối mặt với những thách thức về tăng dân số do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Do đó, hướng tới phát triển đô thị thông minh không chỉ là một xu hướng, mà còn là giải pháp giúp biến các thành phố trở nên đáng sống và cạnh tranh hơn.
Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đang áp dụng công nghệ thông minh vào dự án của mình.

Sự cần thiết phải phát triển đô thị thông minh

Có nhiều lý do khiến việc phát triển đô thị thông minh không còn là dự báo, mà đã trở thành một xu hướng quan trọng, có khả năng giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị hiện nay đối mặt, đặc biệt là các đô thị tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Sự gia tăng và già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tình trạng xuống cấp của hạ tầng cơ bản, sự khan hiếm nguồn lực, nhu cầu và kỳ vọng thay đổi là những thách thức với bất kỳ thành phố nào. Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới.

Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết, Việt Nam đang có mức độ gia tăng đô thị hóa đạt 3,4% mỗi năm, tập trung chủ yếu quanh khu vực Hà Nội và TP.HCM, đồng thời cũng đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ đô thị hóa. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu người, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025.

Theo nhìn nhận của WB, đô thị hóa nhanh là tốt, bởi quá trình đô thị hóa, đặc biệt là ở 2 trung tâm kinh tế này đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vài trò đầu tàu trong công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Không một nước nào có thể phát triển kinh tế với mức thu nhập cao nếu không phát triển đô thị trước và trong thực tế, hầu hết các nước đều phải đô thị hóa ít nhất là 50% trước khi đạt đến vị thế là nước có thu nhập trung bình đầy đủ.

Phát triển thành phố thông minh không chỉ đơn giản là đầu tư công nghệ, mà quan trọng chính là yếu tố con người 
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh như vậy, cũng xuất hiện những mặt trái, gây áp lực lên đô thị, đặc biệt là về tầm nhìn quy hoạch, cũng như đội ngũ quản lý đô thị để đáp ứng kịp với sự phát triển này. Đồng thời, vận hành các đô thị phát triển kinh tế bền vững, cạnh tranh và các nguồn lực được quản lý một cách hợp lý.

Khi đó, quản lý và cải thiện chất lượng các thành phố đòi hỏi phải biết những gì xảy ra bên trong thành phố đó, điều này chỉ có thể nắm bắt được thông qua việc thay đổi phương thức điều hành của chính quyền, tham gia của người dân, cũng như sự tham gia của các bên liên quan chịu trách nhiệm quản lý chúng.

Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới tại Việt Nam có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng, mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, nên đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết để có thể cấu trúc phù hợp và hiệu quả trước áp lực mật độ dân cư tại các khu đô thị.

Chính vì thế, giải pháp hiệu quả cho các thách thức nói trên là phải phát triển các thành phố trở thành thành phố thông minh, hay nói cách khác là đô thị thông minh. Với sự xuất hiện của công nghệ số, Internet và công nghệ di động, sự chuyển đổi này càng trở nên khả thi hơn.

Nhưng cần có tính toán một cách hợp lý

Phát triển đô thị thông minh cho đến nay đã trở thành một xu thế tất yếu tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Qua nhiều năm triển khai thí điểm, có rất nhiều mô hình đô thị thông minh được triển khai trên thế giới, như các mô hình đô thị thông minh bền vững, mô hình đô thị thông minh tự thân, mô hình đô thị thông minh gắn với giáo dục…

Theo TS.KTS. Ngô Lê Minh, Đại học Xây dựng Hà Nội, đô thị thông minh có khả năng đem lại nhiều lợi thế như hệ thống điều phối giao thông, vận chuyển năng lượng, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng… Các công nghệ thông tin và truyền thông thông minh giúp kết nối mạng lưới, kiểm tra mọi lĩnh vực quan trọng như giao thông, quản lý hành chính, y tế, nhà ở, giáo dục và văn hóa.

Việt Nam với vị trí là một nước đang trong quá trình phát triển cũng không nằm ngoài xu thế phát triển mô hình đô thị thông minh. Tuy vậy, có thể chỉ rõ việc ứng dụng đô thị có thể mang lại lợi ích nhiều mặt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu phát triển thiếu đồng bộ.

Cụ thể, mô hình phát triển đô thị thông minh không phải lúc nào cũng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu; tham vọng xây dựng các đô thị mới, hiện đại, tích hợp công nghệ sẽ khiến chính quyền thành phố dễ dàng xem nhẹ, thậm chí bỏ rơi các khu đô thị hiện hữu; nguy cơ mất an ninh và các nguy cơ tiềm ẩn do lộ thông tin cá nhân và tin tặc xâm nhập phá vỡ hệ thống lưu trữ thông tin quản lý đô thị tập trung.

Đồng quan điểm, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, dù phát triển ra sao, phát triển như thế nào, thì mục tiêu của đô thị thông minh cũng là xoay quanh yếu tố con người. Vì thế, phải có cư dân thông minh mới có được thành phố thông minh, nên phải phổ thông hoá những dữ kiện thông minh để người dân hiểu được. Điều này không dễ trong bối cảnh hiện tại, khi ngay cả những người tuyên truyền phát triển về đô thị thông minh cũng chưa hẳn đã hiểu rõ về khái niệm "thông minh".

Bên cạnh đó, theo ông Zoey Zhou, Phó chủ tịch Tập đoàn kiến trúc Arcplus, muốn phát triển đô thị thông minh, phải có một đội ngũ chuyên gia cực giỏi, bài toán của thành phố thông minh không phải là công nghệ, mà bài toán về xã hội. Thành phố thông minh hoàn chỉnh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường của các trung tâm đô thị, đồng thời đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương.

Do đó, khái niệm về thành phố thông minh cần phải kết hợp các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, vốn con người và xã hội. Chỉ khi các yếu tố này được kết hợp, các thành phố mới trở nên thông minh và có khả năng thúc đẩy phát triển bền vững và tích hợp.

"Theo tôi, điều khó khăn nhất trong phát triển thành phố thông minh là tìm kiếm tài năng, vì các bạn có thể có được những chuyên gia hàng đầu thế giới, nhưng con người ở nước sở tại mới là những nhân tố quan trọng nhất. Qua đánh giá ban đầu với cơ sở hạ tầng, con người thì Việt Nam cần có thời gian để tiếp tục phát triển", ông Zhou nói và cho biết, mỗi một nước có điều kiện khác nhau, nên việc phát triển cũng có thể khác nhau, từ đó sẽ tìm ra được chiến lược phát triển riêng cho mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục