ĐTCK trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh (ảnh) về vấn đề này.
Muốn thị trường mua bán nợ hoạt động minh bạch, hiệu quả phải bắt đầu từ công khai trung thực bức tranh nợ xấu của các DNNN, thưa ông?
Đúng như vậy, bởi thực trạng nợ xấu của khối DNNN hiện không rõ ràng, mặc dù theo cảm nhận chung là tỷ lệ này khá lớn trong cơ cấu nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy là chủ sở hữu của các DNNN, nhưng người dân không biết các DN này đang nợ bao nhiêu, trong đó có những khoản nào là nợ xấu, nợ ai, vì sao rơi vào nợ xấu, phương án khắc phục tình trạng này ra sao… Chỉ khi những câu hỏi này được làm rõ, thì mới phân loại được tính chất của các khoản nợ, trên cơ sở đó mới xây dựng được phương án tái cấu trúc DNNN, trong đó có cổ phần hóa đảm bảo tính khả thi.
Theo ông, nợ xấu của các DNNN chưa được minh bạch là do thiếu chế tài hay do các DN chưa có ý thức chấp hành?
Tôi nghĩ là cả hai. Thực tế, nghĩa vụ công bố thông tin của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện chưa được đặt ra rõ ràng. Hàng loạt DNNN đua nhau đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nghề chính, gây thất thoát không nhỏ tài sản của Nhà nước, nhưng việc xử lý lãnh đạo các DN này ra sao không được công khai. Điều đáng nói là với những trường hợp không tự giác chấp hành, thì hiện chưa có chế tài để xử lý. Bởi vậy, trong các quy định điều chỉnh hoạt động của DNNN thời gian tới, rất cần quan tâm khắc phục những vấn đề này.
Ông có cho rằng, sức ép minh bạch nợ xấu sẽ phát huy ý nghĩa lớn hơn trong quá trình thúc đẩy tái cấu trúc DNNN nếu thị trường mua bán nợ sớm ra đời và hoạt động minh bạch, hiệu quả?
Trên thị trường tài chính thế giới, nghiệp vụ mua bán nợ rất phổ biến và công cụ này mang lại hiệu quả lớn trong tái cơ cấu nợ cho các DN, cũng như nền kinh tế quốc gia nói chung. Điều quan trọng nhất khi thiết lập thị trường này là phải hình thành đồng bộ chính sách nhằm đảm bảo cho thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả. Trong đó, phải làm rõ các tiêu chí mua, bán nợ. Cụ thể, cần có cơ chế ưu tiên mua nợ xấu của các DN có công nghệ, sản phẩm, thị trường tốt, quản trị hiệu quả…, nhưng do yếu tố khách quan tác động, chẳng hạn như lạm phát, lãi suất cao dẫn đến kinh doanh khó khăn. Ngược lại, nên có quy định khắt khe khi mua nợ của các DN có quá trình hoạt động không hiệu quả, thậm chí không mua nợ của các DN này, để tạo áp lực thanh lọc theo luật chơi thị trường đối với các DN làm ăn yếu kém kéo dài.
Theo ông, cần ưu tiên triển khai thêm những giải pháp nào để đẩy nhanh quá trình cải cách DNNN sao cho hiệu quả hơn?
Cho đến thời điểm này, có 3 câu hỏi quan trọng quyết định sự thành bại của nỗ lực tái cơ cấu DNNN cần có câu trả lời thỏa đáng.
Thứ nhất, cần bao nhiêu chi phí để tái cơ cấu DNNN nhằm đạt mục tiêu đề ra? Không có chuyện “miễn phí” khi triển khai tiến trình đầy cam go này, nhất là trong bối cảnh các DNNN có tỷ lệ nợ xấu rất đáng quan ngại.
Thứ hai, 3 lĩnh vực tái cấu trúc là DNNN; đầu tư; hệ thống tổ chức tín dụng và các định chế tài chính đều có mối quan hệ mật thiết với tái cấu trúc thể chế, bộ máy quản lý, nhưng vấn đề này chưa được đặt ra rõ nét.
Thứ ba, tái cấu trúc DNNN nghĩa là muốn chuyển từ điểm A sang điểm B. Vậy điểm A đang ở đâu và tất cả những biểu hiện của điểm A là gì? Tương tự, điểm B như thế nào, các tiêu chí của điểm B là gì? Quỹ đạo từ điểm A sang điểm B phải đi qua những bước nào thì mới đạt được mục tiêu đề ra? Hiện bức tranh của điểm A và điểm B đều chưa rõ ràng.