Phải hoàn thành cao tốc Bắc Nam, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 vào cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Mặt bằng, nền đất yếu và nguồn vật liệu đất đắp đang là 3 yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Sáng 22/2, Bộ trưởng Bộ GTVT; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra công tác triển khai 2 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm của các địa phương nhưng đến thời điểm này, mặt bằng vẫn là yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành 2 dự án thành phần, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 có khối lượng nền đường phải xử lý nền đất yếu khá lớn.

“Bộ GTVT rất sốt ruột vì diện tích còn vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến việc tiếp cận công trường của các nhà thầu là khá lớn, đặc biệt là phần công địa qua địa phận tỉnh Ninh Bình. Tại đây có sự hiện diện của lãnh đạo các địa phương, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh cần quyết tâm để hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong quý I/2021”, ông Thể cho biết.

Quan ngại của tư lệnh ngành GTVT là có cơ sở bởi tại Dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km (đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,41km; đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 48,96km) vẫn còn khá nhiều vị trí chưa có mặt bằng sạch dù công trình có tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng đã được khởi công vào cuối tháng 9/2020.

Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc Dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (PMU Thăng Long – Bộ GTVT), tính đến cuối tháng 2/2021, các địa phương mới bàn giao được 55,64/63,37 km cho nhà thầu thi công, cụ thể đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới bàn giao được 8,18/14,41km (còn 6,23km), đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bàn giao được 47,46/48,96km (còn 1,5km).

Đại diện chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân chính khiến phần công địa tại Ninh Bình (chủ yếu là tại Tam Điệp) bị vướng nhiều là tỉnh này chưa xây dựng được đơn giá đền bù đối với các loại đất vườn ao trong khu dân cư. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề còn chậm. Một số hộ dân chưa được cấp đất tái định cư hoặc chưa xây dựng xong nhà mới ở khu tái định cư hoặc xuất hiện khiếu kiện liên quan đến chính sách bồi thường hỗ trợ.

“Ngoài ra trong các đoạn tuyến đã bàn giao vẫn còn tồn tại một số hộ dân chưa di dời nằm rải rác, xôi đỗ với nhiều lý do như chưa nhận đủ tiền bồi thường hoặc còn phát sinh các công trình kiến trúc chưa được thống kê bồi thường, chưa xây xong nhà mới ở các khu tái định cư...”, ông Long cho biết và xác nhận với đoàn công tác là nếu không được xử lý dứt điểm Dự án sẽ khó có thể hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch.

Cam kết với Bộ GTVT về việc sẽ bàn giao dứt điểm mặt bằng vào cuối quý I/2021, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, ngày mai (ngày 23/2), HĐND tỉnh Ninh Bình họp sẽ thông qua nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ giải quyết cho người dân về đền bù đất ao, vườn, hoa màu… Đây là cơ sở để tỉnh Ninh Bình hoàn thành cam kết với Bộ GTVT – ông Sơn khẳng định.

Trong khi đó ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại trước 31/3/2021 để các đơn vị thi công thực hiện Dự án.

Ngoài vấn đề mặt bằng, theo lãnh đạo PMU Thăng Long và các nhà thầu cho biết họ đang gặp khó trong việc tiếp cận các vật liệu đắp nền.

“Thực tế khi triển khai thi công, tình trạng nhiều mỏ vật liệu, bãi đổ vật liệu không thích hợp không còn giống như số liệu khảo sát bước thiết kế kỹ thuật như: đã hết hạn khai thác, chưa được quy hoạch, đã hết trữ lượng, trữ lượng còn lại ít...”, ông Long thông tin.

Ghi nhận chủ đầu tư và các nhà thầu đã hết sức nỗ lực cùng với địa phương và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bám khá sát kế hoạch đề ra, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng khối lượng công việc còn nhiều nên các đơn vị tuyệt đối không được lơ là, bám sát công trường; có giải pháp thi công khoa học và kịp thời báo cáo Bộ GTVT các vướng mắc.

“Đây là dự án trọng điểm quốc gia, là công trình mẫu nên không được phép sai sót trong quá trình thực hiện, phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu," người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.

Về việc xử lý đất yếu - một trong những yếu tố quan ngại có thể làm ảnh hướng đến tiến độ thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long cần làm việc chặt chẽ với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo đúng tiến độ. Không vì nền đất yếu mà làm chậm tiến độ thi công, không vì đất yếu mà làm giảm chất lượng công trình.

Đối với vướng mắc về các mỏ đất, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương rà soát lại hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế. Những sai sót trong quá trình lập dự án hay những vị trí mỏ, trữ lượng, quy mô, giấy phép... nếu như tư vấn làm không đúng thì phải kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, tránh tình trạng làm chậm tiến độ.

"Ưu tiên số một là phải bám sát vào phương án đã được duyệt. Trong trường hợp bất khả kháng cho phép áp dụng giải pháp thay thế nhưng không được làm tăng kinh phí", Bộ trưởng chỉ đạo.

Về việc xử lý đất yếu là một trong những yếu tố quan ngại có thể làm ảnh hướng đến tiến độ thi công, Bộ trưởng Thể yêu cầu Ban Quản lý dự án cần làm việc chặt chẽ với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và báo cáo kịp thời cho bộ các giải pháp để xử lý đảm bảo đúng tiến độ.

“Không vì nền đất yếu mà làm chậm tiến độ thi công, không vì đất yếu mà làm giảm chất lượng công trình. Ưu tiên số một là nền móng vững chắc, nền móng không vững chắc sẽ gây lún sụt, sẽ liên quan đến vấn đề chất lượng," Bộ trưởng lưu ý.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục