Phải có chế tài với công ty đại chúng

Đọc bài viết "Vi phạm quyền cổ đông, cần có chế tài mạnh" đăng trong mục Sự kiện và Bình luận của Báo Đầu tư Chứng khoán số 152 ra ngày 20/12/2010, tôi hoàn toàn nhất trí với bài viết này.
(Ảnh minh họa: Hoài Nam) (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

>> Vi phạm quyền cổ đông, cần có chế tài mạnh

Không chỉ có trường hợp về những cổ đông của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (VEC) được đề cập trong bài viết là chịu thiệt thòi mà còn nhiều cổ đông của những DN khác cũng bị vi phạm quyền lợi mà không biết "kêu" ai và ở đâu.

Tôi đọc bài viết và phản hồi của bạn Mai Hương, kingminhquan@yahoo.com.vn trên www.tinnhanhchungkhoan.vn về việc bạn và một số người quen hiện đang nắm giữ cổ phiếu của CTCP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh từ năm 2006 đến nay, nhưng chưa bao giờ nhận được bất cứ một thông báo hay một thông tin nào về hoạt động của Công ty cũng như cổ tức hàng năm.

Theo bạn Hương, các bạn ấy toàn phải đi dò hỏi một số người quen về việc chia cổ tức của DN và đến nay đã 2 năm, các bạn ấy vẫn không thể biết Công ty có phát hành cổ phiếu, chia cổ tức hay chia thưởng hay không, mặc dù mọi thông tin về cổ đông đã được các bạn ấy cung cấp đầy đủ.

Bức xúc hơn, bạn Hương còn cho biết,  các bạn ấy phải làm văn bản đề nghị chuyển trả cổ tức rất nhiều lần nhưng Công ty cũng làm ngơ, khất lần mãi, trong đó, một người bạn của bạn ấy yêu cầu Công ty chuyển trả cổ tức của năm 2008-2009, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa chịu chuyển trả.

Tôi khẳng định rằng, không chỉ 2 trường hợp trên, mà còn nhiều trường hợp khác, quyền lợi của các cổ đông của các công ty đại chúng đang bị vi phạm nghiêm trọng, nhưng các cổ đông bé nhỏ này không biết "kêu" lên đâu và không biết có chế tài và quy định pháp luật nào bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ.

Không những các vụ việc trên, nhiều vụ vi phạm quyền lợi của cổ đông khác như việc hạn chế quyền họp đại hội cổ đông; việc quy định không có thư trả lời trong việc xin ý kiến bằng văn bản coi như đồng ý của một số công ty đại chúng… tôi cảm thấy rất bức xúc, tuy nhiên, từ trước đến này, theo tôi biết là chưa hề có công ty nào bị xử phạt vì những lỗi vi phạm như thế này.

Tìm hiểu Nghị định 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tôi thấy, trong 5 chương, 54 điều của Nghị định, không hề có điều khoản nào quy định về việc xử phạt các công ty đại chúng vi phạm đến quyền lợi của cổ đông như những trường hợp đã được nêu ở trên. Như vậy, phải chăng quyền lợi của những cổ đông nhỏ lẻ đã bị bỏ quên?

Với những cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị vi phạm như trên, họ sẽ có cơ hội để rời bỏ công ty dễ dàng thông qua việc bán cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đối với cổ đông của công ty đại chúng chưa niêm yết, dù biết quyền lợi của mình bị vi phạm một cách trắng trợn, nhưng để tháo khỏi công ty thì không dễ, bởi vì để chuyển nhượng được cổ phiếu là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, khi xem xét để khởi kiện hoặc khiến nghị lên cơ quan quản lý thì chúng tôi cũng cảm thấy bí và khó khả thi.

Vì thế, theo tôi, cơ quan quản lý cần có chế tài cụ thể đối với các công ty đại chúng, đặc biệt cần có quy định xử phạt nặng và nghiêm minh đối với các công ty đại chúng vi phạm quyền lợi của cổ đông. Ngoài ra, các hiệp hội cũng cần có ban đại diện để tư vấn và giúp đỡ cổ đông của các công ty đại chúng khi họ bị vi phạm quyền lợi, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ.

Lê Bình, lebinh24@yahoo.com
Lê Bình, lebinh24@yahoo.com