Hình thức trình bày được đầu tư thiết kế chuyên nghiệp hơn, đặc biệt một số doanh nghiệp đã hướng đến thông lệ quốc tế trong việc thực hiện BCTN. Đây là những tiến bộ rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong tiến trình minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK.
Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn BCTN
Từ thực tế 2 vòng sơ khảo và chung khảo cho thấy, mặt bằng chất lượng các BCTN năm nay đã tăng lên so với năm trước, hình thức trình bày chuyên nghiệp, bắt mắt hơn. Việc phân tích tình hình kinh doanh và tài chính bước đầu đã đi vào chiều sâu, thể hiện rõ hơn tình hình doanh nghiệp. Đặc biệt là nội dung về quản trị công ty đã được cải thiện đáng kể, cung cấp thông tin đầy đủ hơn và đã có BCTN đạt điểm tối đa về quản trị công ty cho thấy bước tiến vượt bậc trong việc thực hiện nội dung này. Để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung về quản trị công ty, Ban tổ chức đã quyết định trao 3 giải thưởng cho 3 BCTN có nội dung quản trị công ty tốt nhất trong Cuộc bình chọn năm 2015. Bên cạnh đó, giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững tiếp tục được duy trì với 5 giải thưởng được trao cho 5 báo cáo tốt nhất.
Bên cạnh các nội dung đã thực hiện tốt, nhìn chung, BCTN năm nay vẫn còn một số điểm hạn chế cần lưu ý để thực hiện tốt hơn và đạt giải cao hơn trong các cuộc bình chọn tiếp theo như:
- Về cách trình bày: một số doanh nghiệp có ý tưởng trình bày BCTN rất đặc thù, độc đáo, mới lạ, hướng đến cách trình bày theo thông lệ quốc tế.
Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng BCTN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc trình bày này có thể không theo sát mẫu quy định của Thông tư 52/2012/TT-BTC dẫn đến gây khó khăn cho Hội đồng bình chọn trong việc chấm BCTN.
Hội đồng bình chọn phải xem xét các tiêu chí cần đánh giá ở nhiều nội dung khác nhau và đôi khi các nội dung này chưa được trình bày theo một trình tự mang tính logic, dẫn đến kết quả chấm chung cuộc sẽ không cao.
Đồng thời, việc trình bày BCTN theo cấu trúc riêng có thể gây khó khăn cho chính các nhà đầu tư là người đọc các báo cáo. Bởi phần lớn nhà đầu tư trong nước hiện nay vẫn còn chưa tiếp cận tốt với các thông tin mang tính chuyên ngành về tài chính, quản trị công ty, rủi ro…, do đó khó có thể theo kịp các nội dung mang tính chuyên sâu được truyền tải trong cách trình bày đặc thù của doanh nghiệp.
Vì vậy, để BCTN thật sự cung cấp thông tin hữu ích đến nhà đầu tư và có thể đạt được kết quả bình chọn cao hơn nữa, doanh nghiệp nên lưu ý hài hòa việc trình bày báo cáo theo các ý tưởng đặc thù riêng với cấu trúc theo mẫu quy định tại Thông tư 52; cân đối việc trình bày nội dung theo thông lệ quốc tế và khả năng tiếp nhận thông tin của phần lớn các nhà đầu tư trong nước, để tạo nên một BCTN hoàn thiện, tiên tiến và phù hợp với cả công chúng đầu tư trong và ngoài nước.
- Về nội dung: một số nội dung theo yêu cầu tại mẫu quy định của Thông tư 52 vẫn chưa được thể hiện tốt và đầy đủ như: các thông tin về rủi ro, thông tin về hoạt động HĐQT, ban kiểm soát, thù lao thành viên chủ chốt, giao dịch với bên liên quan, các thông tin trọng yếu ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp…
Doanh nghiệp cần lưu ý cung cấp thông tin cụ thể hơn đối với các nội dung này. Việc phân tích rủi ro cần đi vào thực tế, sâu sát với tình hình doanh nghiệp, không nên chỉ dừng lại ở việc mô tả rủi ro chung chung về mặt lý thuyết.
Hơn nữa, các thông tin cần được đặt trong bối cảnh so sánh với các doanh nghiệp trong cùng ngành, để nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động và tiềm năng, triển vọng của doanh nghiệp.
Thông tin thể hiện trong BCTN không nên chỉ bao gồm các thông tin tốt, vẽ nên một bức tranh đẹp nhưng chưa đầy đủ về thực tiễn hoạt động doanh nghiệp. Trong các giai đoạn cụ thể, BCTN cần thiết phải cập nhật cả các thông tin chưa tốt, đồng thời phân tích, đánh giá các tác động từ thông tin này đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội đồng bình chọn đánh giá rất cao các BCTN cung cấp chi tiết các thông tin chưa tốt nhằm mang lại hình ảnh đa chiều, phản ánh đầy đủ và minh bạch về hiện trạng của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư và không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng BCTN. Thực tế trong các cuộc bình chọn, mặc dù nhiều báo cáo đã có nội dung tốt và hình thức trình bày đẹp, nhưng luôn đi theo lối mòn các năm trước, không tạo ra sự mới lạ, sáng tạo. Các báo cáo này sẽ không được điểm cộng và khó đạt giải cao.
- Về mặt quy định, hiện nay cơ quan quản lý đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 52, dự kiến sẽ ban hành và có hiệu lực trong năm 2015. Do đó, mẫu quy định về BCTN cũng sẽ được thay đổi theo hướng tăng cường các nội dung về phát triển bền vững và quản trị công ty, hướng đến thực hiện theo các thông lệ quốc tế.
Nhằm đảm bảo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng BCTN, Ban tổ chức dự kiến trong năm 2016 sẽ thực hiện các buổi hội thảo hướng dẫn công ty niêm yết trong việc thực hiện BCTN, trao đổi các vấn đề cần được tập trung hoàn thiện, các nội dung mới theo quy định của Thông tư thay thế Thông tư 52…; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội thảo chuyên đề về quản trị công ty và phát triển bền vững, nhằm đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt hơn các quy định này.