Phác thảo bức tranh kinh tế quý III/2015

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố dự báo một số chỉ tiêu kinh tế quý III/2015.
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,42%

Những thông tin ban đầu cho thấy, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,42%. Tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10,6%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,8 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III là khoảng 0,92%. Tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý III và quý IV của năm 2015.

“Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý III/2015 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Một là, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể ra quyết định nâng lãi suất USD, qua đó ảnh hưởng đến dòng vốn, mặt bằng lãi suất, tỷ giá VND/USD ở Việt Nam. Hai là, các thị trường xuất khẩu chính vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song quá trình này còn rủi ro do các căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng nợ công châu Âu…”, Báo cáo của Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) viết.

Ở trong nước, các chuyên gia CIEM dự báo, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng trong quý III và sự tương tác của chính sách này với chính sách tài khóa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Tác động này sẽ cộng hướng tới xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế rõ nét hơn trong quý II và những tháng đầu quý III/2015 này. Cộng với đó, môi trường vĩ mô ổn định và vững chắc hơn, một số hiệp định FTA mới được ký kết cũng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường và nguồn lực bên ngoài cho quá trình sản xuất – xuất khẩu.

Các chuyên gia của CIEM cũng thừa nhận, nỗ lực điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã lưu tâm nhiều hơn đến phối hợp giữa các công cụ chính sách và tạo dựng, củng cố dư địa cho việc thực hiện các công cụ chính sách.

Tuy vậy, một số rủi ro vẫn hiện hữu với quá trình điều hành kinh tế vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung vẫn chưa nhỏ đi. Đó là vấn đề về nợ công; duy trì đà cải cách đối với môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; hay áp lực cải thiện khả năng cạnh tranh ở cả cấp sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Đặc biệt, quá trình xử lý các ngân hàng thương mại trong yếu kém quý II/2015 dù diễn ra nhanh hơn quý I, tuy nhiên Ngân hàng nhà nước chưa thông tin cụ thể định hướng tái cơ cấu các ngân hàng này sau quốc hữu hóa, các ngân hàng thương mại có thể bị xử lý trong thời gian tiếp theo cũng như mức độ yếu kém của các ngân hàng này.

“Trong bối cảnh ấy, định hướng cải cách nền tảng kinh tế vi mô và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô cần theo hướng tạo dựng thêm động lực, đẩy nhanh việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ trong hai năm 2014 và 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo đà cho các chuyển biến mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh trong nửa cuối năm 2015 và các năm tiếp theo”, Báo cáo của CIEM khuyến nghị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của CIEM cũng nhắc tới những cải thiện nền tảng kinh tế vi mô nhằm khuyến khích và bảo vệ cạnh tranh tiếp tục diễn ra, tuy việc hiện thực hóa những cải cách này còn gặp không ít vướng mắc. Ở khía cạnh khác, tự do hóa thương mại và đầu tư vẫn tiếp diễn, làm tăng áp lực mở cửa thị trường cho hàng hóa và nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong bối cảnh ấy, Việt Nam không nên quá phân biệt doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Phòng vệ thương mại và bảo hộ các ngành sản xuất trong nước là cần thiết, song phải minh bạch, không trái với cam kết và không làm giảm động lực cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, Báo cáo viết.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục