Phân khúc trung bình - khá ổn định
Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng nhẹ và xu hướng đúng như dự đoán trước đó của các chuyên gia.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các giao dịch trên thị trường của cả hai quý đầu năm có mức tăng khoảng 5 - 6% so với cùng kỳ, mặt bằng giá cũng tăng khoảng 5%.
Cả Hà Nội và TP.HCM đều duy trì sự ổn định ở phân khúc chung cư. Trong đó, phân khúc trung bình - khá có lượng giao dịch tốt. Phân khúc giá thấp giao dịch hạn chế, do thiếu nguồn hàng. Phân khúc chung cư cao cấp vẫn duy trì được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhưng lượng giao dịch không nhiều. Nhiệt kế thị trường phản ánh khá đúng, vì đây không phải là sản phẩm nhiều nhà đầu tư có nhu cầu.
Không chỉ ở hai trung tâm lớn là Hà Nội, TP.HCM, thị trường miền Trung cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực từ đầu năm, trong đó, quý I/2017, Đà Nẵng đạt trên 1.000 giao dịch về đất nền.
“6 tháng đầu năm 2017, thị trường được duy trì ổn định, lượng giao dịch và giá bán tăng trưởng khoảng 5%, trong đó chung cư ở phân khúc trung bình - khá có mức tiêu thụ tốt ở cả hai miền Nam, Bắc. Tại miền Trung, cả Đà Nẵng, Nha Trang ghi dấu sự ổn dịnh của phân khúc condotel và bất động sản nghỉ dưỡng. Những dự án như Cocobay, Hòa Bình Green City đều có tốc độ ra hàng và tiêu thụ tốt”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP.HCM duy trì được sự ổn định bởi sự dẫn dắt của các thương hiệu lớn như Vingroup, Him Lam, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Novaland, Khang Điền, Sacomreal… Sản phẩm của các thương hiệu này đều có sức tiêu thụ tốt.
Những thương hiệu như Him Lam, Hưng Thịnh, Phú Mỹ Hưng đều có những lần ra hàng rầm rộ, lên đến trên 1.000 căn/đợt, nhưng hầu hết đều được tiêu thụ khá nhanh.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận một số diễn biến đáng chú ý, nhất là ở TP.HCM. Thời điểm đầu quý II/2017 ghi nhận giá đất nền tăng vọt do sốt ảo (quận 9, quận 12, quận Thủ Đức). Rất may, hoạt động thiếu lành mạnh này đã bị dập tắt kịp thời, trả lại sự bình yên và minh bạch cho thị trường.
Qua đợt sốt trên cho thấy sự nhanh nhẹn, quyết liệt của chính quyền TP.HCM, các hiệp hội ngành nghề trong việc đưa ra tiếng nói, chấn chỉnh thị trường. Hoạt động truyền thông cũng được đánh giá cao khi góp phần quan trọng vào thành công của việc dập sốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn có không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm vội vã đón sóng, chạy theo con sóng này và phải ôm quả đắng.
Đợt sốt ảo trên cũng nhắc nhở nhiều người nhớ lại cơn sốt ảo diễn ra tại Ba Vì, Hà Nội mấy năm trước và đến nay vẫn để lại hậu quả cay đắng cho nhiều nhà đầu tư bị kẹt hàng.
Điểm đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm là những lo ngại về việc các ngân hàng sẽ siết van tín dụng với địa ốc đã không diễn ra. Chỉ những dự án không khả thi, không mang tính cấp thiết mới bị siết, còn các dự án, sản phẩm phù hợp vẫn được quan tâm, cấp tín dụng, nên thị trường không bị nghẽn, ách tắc.
Phát triển cơ sở hạ tầng tạo đà cho bất động sản
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định do không có những biến động lớn. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu, trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, đã mang đến những hiệu ứng tích cực. Việc vận hành của thị trường chắc chắn sẽ thông thoáng, minh bạch hơn nhiều.
Trong một chia sẻ gần đây, TS. Đinh Thế Hiển nhận định: “Bất động sản nửa cuối năm 2017 vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng sẽ phân hóa mạnh và đi vào sự lựa chọn dựa trên nhu cầu, năng lực tài chính của nhà đầu tư. Thị trường 6 tháng cuối năm 2017 sẽ không có xu hướng rõ rệt, cơ hội sẽ đến theo từng dự án cụ thể”.
Nhìn vào diễn biến của thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017 có thể nhận thấy, thị trường đang chuyển theo hướng chất hơn là lượng. Các nhà đầu tư và cả hệ thống ngân hàng đều thể hiện sự tin tưởng ở những chủ đầu tư uy tín, có thế mạnh tài chính, thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, chất lượng.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/6/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 5.429 tỷ đồng; so với quý I/2013 giảm 11.631 tỷ đồng, giảm 68,18%; so với tháng 12/2015 giảm 1.317 tỷ đồng, giảm 19,52%; so với tháng 12/2016, giảm 161 tỷ đồng, giảm 2,88%; so với thời điểm 20/5/2017 giảm 21 tỷ đồng. Hà Nội đang làm khá tốt việc giải phóng hàng tồn kho bất động sản.
“Theo chúng tôi, 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ vẫn giữ nhịp ổn định và không có biến động gì lớn. Bất động sản đang có được nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ những chính sách tạo sự thông thoáng, gỡ nút thắt cho thị trường, cho đến chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Đính nhận định.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM cũng mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản, bởi bất động sản là một sản phẩm ăn theo quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.
Điển hình như việc Hà Nội đẩy mạnh việc mở rộng vành đai 3, vành đai 2, hoàn thiện, hay mở rộng các trục đường phía Bắc như Long Biên, Đông Anh, giúp thị trường bất động sản phía Tây và Đông của Thành phố phát triển theo.
Trong khi đó, việc TP.HCM công bố nhiều quy hoạch mới với các đường xuyên tâm, đường lớn, giải được bài toán ách tắc giao thông, cho khu Tây cũng biến bất động sản khu vực này lần đầu tiên trở thành tâm điểm của Thành phố.
Còn Đà Nẵng đang đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông, bến bãi, cảng hàng không bằng hình thức xã hội hóa; hay Nha Trang đang ráo riết mở rộng các tuyến vành đai…, cũng tạo ra động lực tốt về hạ tầng đô thị, tăng sức hút cho đầu tư và là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.