“Phá giá” bảo hiểm vật chất xe ô tô vẫn tái diễn

(ĐTCK) Hơn nửa năm sau khi Bộ Tài chính ban hành Bộ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô, ghi nhận của ĐTCK cho thấy, tình trạng “phá giá” phí bảo hiểm xe ô tô vẫn tái diễn, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Cuộc chiến giành thị phần bảo hiểm ô tô vẫn diễn ra khốc liệt giữa các DN bảo hiểm Cuộc chiến giành thị phần bảo hiểm ô tô vẫn diễn ra khốc liệt giữa các DN bảo hiểm

Chia sẻ với ĐTCK ngày 3/12, phụ trách kinh doanh công ty thành viên của một DN bảo hiểm cho biết, nhiều chi nhánh của các DN bảo hiểm tại địa phương vẫn đua nhau hạ phí, mở rộng điều khoản bảo hiểm vật chất xe ô tô, vi phạm quy định tại Bộ quy tắc được Bộ Tài chính phê chuẩn cho từng DN bảo hiểm.

Tình trạng vi phạm này không chỉ diễn ra tại các DN bảo hiểm nhỏ, mà cả DN quy mô tầm trung, thậm chí xuất hiện ở DN thuộc Top 5 thị phần. DN bảo hiểm trực thuộc ngân hàng cũng không là ngoại lệ.

Liên lạc với lãnh đạo các DN có đơn vị “bị tố” là vi phạm, phóng viên nhận được câu trả lời là vẫn đang chấp hành đúng quy định và sau đó còn được… cung cấp thông tin về một số trường hợp vi phạm tại các DN bảo hiểm khác.

“Không có chuyện MIC hạ phí, vi phạm quy định tại Bộ quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô của Bộ Tài chính. Ngược lại, chúng tôi đang thực hiện nghiêm túc, thậm chí còn được Bộ khen ngợi”, ông Nguyễn Quang Hiện, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) nói với ĐTCK.

Khẳng định DN mình đang tuân thủ tốt Bộ quy tắc do Bộ Tài chính ban hành, một lãnh đạo DN bảo hiểm cũng “không quên” điểm tên ba trường hợp vi phạm tại DN bảo hiểm khác.

Tình trạng chào phí dưới chuẩn để tranh giành khách hàng, dịch vụ của nhau diễn ra gay gắt, quyết liệt, thậm chí nhiều địa phương còn áp phí bảo hiểm thấp hơn so với trước cả thời điểm áp dụng Bộ quy tắc (ngày 1/5/2015).

Thực tế, việc vi phạm bộ quy tắc trên đã không còn xa lạ và việc ban hành Bộ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/5/2015 là quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh lại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Nhưng sau đó, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, đến mức ngày 16/7/2015, các thành viên Ban xe cơ giới của một số DN bảo hiểm như ABIC, AIG, Xuân Thành, UIC, PAC, Bảo hiểm Bảo Việt, MIC, GIC, Liberty đã được mời tham gia buổi họp nhóm cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) để quyết tâm tuân thủ tốt biểu phí an toàn, làm lành mạnh thị trường.

Sau 6 tháng triển khai Bộ quy tắc trên, AVI cho biết, đã nhận được không ít phản ánh của DN bảo hiểm về việc làm sai quy định. Trong đó, vi phạm diễn ra chủ yếu tại một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên, TP. HCM, Đồng Nai… (có bằng chứng vi phạm cụ thể).

Tình trạng chào phí dưới chuẩn để tranh giành khách hàng, dịch vụ của nhau diễn ra gay gắt, quyết liệt, thậm chí nhiều địa phương còn áp phí bảo hiểm thấp hơn so với trước cả thời điểm áp dụng Bộ quy tắc (ngày 1/5/2015). Điều này đe dọa an toàn tài chính của DN bảo hiểm, có thể dẫn tới việc DN bảo hiểm không đủ quỹ bảo hiểm chi trả bồi thường.

Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm cũng được AVI chỉ ra, đó là các đơn vị trực thuộc “lách” các quy định của Bộ quy tắc. Cụ thể, nội dung biểu phí của từng DN bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn khác nhau, nên có DN đưa biểu phí chung, có DN đưa biểu phí chi tiết. Có DN khi xây dựng biểu phí thì dùng các cụm từ diễn tả chung chung như “giảm phí cho chủ xe có tỷ lệ bồi thường thấp”; “các trường hợp giảm phí khác do Tổng giám đốc quyết định”; “giảm phí khi áp dụng mức miễn thường”…

Trước thực trạng trên, AVI đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tiến hành thanh kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện và tính tuân thủ Bộ quy tắc của các DN trong ngành. Đồng thời, AVI cũng kiến nghị cơ quan quản lý xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Bộ quy tắc để tăng cường tính công khai minh bạch trong biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.    

Trao đổi với ĐTCK chiều 3/12, lãnh đạo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, Cục đã nhận được phản ánh về vi phạm mới đây, chủ yếu tại miền Trung và Tây Nguyên và sẽ tiến hành làm việc với các DN bảo hiểm.

Trả lời về kết quả của các buổi làm việc trước đó giữa Cục với các DNBH bị tố là vi phạm, vị lãnh đạo trên cho biết, có trường hợp không tuân thủ nhưng cũng có trường hợp giảm phí với một số lý do nhất định, chẳng hạn như giảm cho khách hàng truyền thống. Cục cũng đã có công văn nhắc nhở DN này.

Như vậy, việc xử lý với các trường hợp DN vi phạm Bộ quy tắc mới dừng ở mức nhắc nhở. Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, cần thiết phải bổ sung chế tài xử phạt cụ thể để đảm bảo tính răn đe.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục