Phá ‘băng’ thị trường ô tô

(ĐTCk-online)Sau động thái giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cả mới và cũ từ ngày 8/8/2007, thị trường ô tô do các liên doanh sản xuất dường như vẫn chưa có chuyển động trước giấc mơ “4 bánh” của người tiêu dùng. Thực tế này có vẻ như đang buộc các cơ quan hữu trách phải cân nhắc những giải pháp về thuế quyết liệt hơn nữa, nhằm phá “băng” trên thị trường ô tô hạng trung.
Phá ‘băng’ thị trường ô tô

Cuối tuần trước (một tuần sau khi Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc), Bộ Tài chính và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA) đã chính thức gặp nhau. Trong khi nội dung được Bộ Tài chính quan tâm là vì sao thuế đã giảm mà các doanh nghiệp của VAMA vẫn giữ nguyên giá bán xe, thì phía VAMA lại tỏ ra bất bình trước việc giảm thuế nhập khẩu liên tiếp 2 lần trong thời gian từ đầu năm tới nay đối với ô tô nguyên chiếc. Nhưng trên thực tế, việc giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nhanh hơn so với cam kết có lẽ cũng chẳng còn đường nào khác, bởi sự cố tình giữ nguyên giá bán, thậm chí đang có hiện tượng “làm giá, khan hàng” của các liên doanh ô tô.

Dĩ nhiên, các liên doanh ô tô vốn rất được “cưng chiều” (có thời điểm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất ô tô trong nước giảm tới 90% so với xe nhập khẩu) chẳng thể nào chịu được việc lợi nhuận bị ảnh hưởng khi phải cạnh tranh mạnh mẽ.

Cho tới thời điểm này, chỉ duy nhất có Mercedes – Benz Việt Nam giảm giá 3.000 – 10.000 USD/xe đối với các dòng xe của mình. Nguyên nhân là do các model xe của Mercedes – Bend bị cạnh tranh trực tiếp với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu dòng cao cấp như BMW, Lexus… Còn lại, các hãng xe khác vẫn “cố thủ” giá bán xe. Động thái này cũng thật dễ hiểu, bởi chẳng có lý do gì khiến các “nhà xe” đang bán hàng “đắt như tôm tươi” với lượng xe nợ khách hàng lên tới cả chục nghìn chiếc phải giảm giá, nhất là khi xe nhập khẩu nguyên chiếc cả mới và cũ không tạo ra sự cạnh tranh nào đối với các dòng xe đang được sản xuất khá thông dụng trong nước.

Thế nhưng, thật khó chấp nhận khi nền kinh tế có tốc độ phát triển cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện mà người dân lại phải xếp hàng đợi mua ô tô - một tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của đất nước. Trao đổi với Báo Đầu tư sau khi diễn ra cuộc gặp giữa Bộ Tài chính và VAMA, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho hay, có thể tính tới phương án giảm thuế nhập khẩu tiếp để các doanh nghiệp thay đổi chính sách giá.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lập báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam , đặc biệt là các hoạt động của các liên doanh để có những chính sách thích hợp trong thời gian tới. Báo cáo sẽ được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành có liên quan. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan hữu trách tiến hành đánh giá tình hình hoạt động của các liên doanh. Cách đây khoảng 5 năm, Bộ Tài chính đã  kiểm tra hoạt động của các liên doanh ô tô, nhằm đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp này và những tác động của các chính sách thuế có liên quan. Nhưng sau khi kiểm tra, không có một kết quả nào được công bố chính thức và dư luận về “các liên doanh được Nhà nước bảo hộ mạnh, có lãi lớn” không được một cơ quan chức năng nào thừa nhận một cách chính thức. Và hậu quả để lại là rất khó lường. Dù đạt được mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp lắp ráp, thì giá ô tô trong nước bị đẩy lên gấp 2 - 3 lần mặt bằng giá của thế giới và mục tiêu lớn hơn là phát triển công nghiệp ô tô, với ngành sản xuất linh kiện đủ mạnh, đã không thành.

Có vẻ như từ khi giấy phép đầu tiên trong lĩnh vực ô tô được cấp vào những năm đầu 90 của thế kỷ trước, hơn 15 năm đã trôi qua mà ngành công nghiệp ô tô vẫn lúng túng chưa biết nên đi thế nào?

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục