“Phá băng” cho ngành kinh tế xanh trong mùa du lịch tàn khốc

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chưa có một quy trình an toàn đón du khách quốc tế, du lịch nội địa mới chỉ hé cánh cửa nặng trịch, Chính phủ đã có những chính sách phá băng cho ngành kinh tế xanh.
Đảo Titop nằm trong vịnh Hạ Long, thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Chí Cường Đảo Titop nằm trong vịnh Hạ Long, thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Chí Cường

Mở hé cánh cửa nặng trịch

Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa mở cửa đón khách ngoại tỉnh khiến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khó vẫn hoàn khó.

Chẳng hạn, Quảng Ninh mở cửa du lịch nội tỉnh từ ngày 8/6, nhưng trải qua gần một tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng, vẫn chưa chào đón khách ngoại tỉnh trở lại. Lãnh đạo tỉnh chủ trương nghiên cứu chính sách đón khách tiêm vắc-xin Covid-19, có xét nghiệm âm tính từ nửa đầu tháng 6, song chưa có động thái mở cửa.

Dù đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021, Ninh Bình cũng rất thận trọng trong mở cửa du lịch. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh này cho biết, từ ngày 3/7, Ninh Bình cho phép mở cửa tất cả khu, điểm du lịch cho khách trong tỉnh, chưa tính tới phương án đón khách ngoại tỉnh do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tương tự, Thừa Thiên Huế mở lại đường bay Hà Nội - Huế, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu công vụ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện các doanh nghiệp dịch vụ, cơ sở lưu trú tập trung phục vụ nhu cầu khách tại địa phương. Khách du lịch ở các tỉnh khác vẫn có thể đến Huế, nhưng chỉ được phép ở tại cơ sở lưu trú như khách sạn, khu nghỉ dưỡng và tuân thủ quá trình phòng, chống dịch.

Đến nay, mới có Vĩnh Phúc cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ như khách sạn, sân golf, cửa hàng ăn uống trong nhà (có tấm ngăn) được mở trở lại từ ngày 26/6. Tuy nhiên, khách du lịch đến tỉnh này phải có giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin hoặc xác nhận âm tính Covid-19 trong thời hạn 5 ngày.

Trong khi đó, du khách từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai... thuộc “vùng xanh” về Covid-19 chỉ cần khai báo y tế và tự khai báo sức khỏe là có thể tới Quảng Bình. Trước đó, từ ngày 28/5, tỉnh này mở lại hoạt động du lịch cho khách nội tỉnh. Các tour tham quan hang động được giảm giá 50% để kích cầu.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel gọi mùa hè năm nay là “mùa hè hấp hối”. Lý do hiển nhiên là giữa mùa cao điểm phục vụ khách du lịch nội địa, nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, nhà xe, hàng không, điểm du lịch trong nước vẫn “ngủ đông” cùng những cơn ác mộng, đối mặt nguy cơ phá sản, đóng cửa.

Chủ trương cho thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc là ánh sáng le lói đối với ngành du lịch. Đề xuất áp dụng “giấy thông hành vắc-xin” nội địa của những người làm du lịch được coi là cánh cửa mở ra cho du lịch. Đây cũng được xem là phép thử khả thi ngay lập tức trước khi thí điểm đón khách quốc tế. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những mơ ước của doanh nghiệp du lịch trong cơn hấp hối.

Trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp và người lao động nói chung, ngành du lịch nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7, phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trực tiếp tới người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động... phải chịu tổn thất nặng nề sau “4 mùa” Covid-19.

Theo đó, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người. Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất - kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian trên được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, người vay được hưởng lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục