PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Tỉ giá phải giảm sâu

Có thể cho tỉ giá (TG) VND/USD giảm dưới 5% là đề xuất của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhằm giải quyết ách tắc trên thị trường ngoại tệ. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Ông Ngân nói: “Chúng ta đang đặt ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, vì vậy phải linh hoạt chính sách TG, trong ngắn hạn phải "hi sinh" xuất khẩu và dài hạn là kiên trì mục tiêu khuyến khích xuất khẩu. Vấn đề là phải xác định thời gian, các biện pháp cần làm để đạt mục tiêu”.

 

Chúng ta cũng đã cho VND lên giá, phải chăng như thế là chưa đủ?

 

 

Những điều chỉnh vừa qua chưa đủ để khai thông thị trường ngoại tệ. Phải chấp nhận điều chỉnh TG thật sâu 3-4% để khai thông thị trường. Ngân hàng (NH) Nhà nước nên giảm TG liên NH 1-2%, cộng với biên độ TG nên nới ra 2%. Khi TG giảm, sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu rẻ đi, chủ yếu là xăng dầu, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị..., qua đó giảm áp lực lên lạm phát. Khi đã chữa được bệnh lạm phát thì chúng ta trở lại mục tiêu dài hạn là khuyến khích xuất khẩu.

Việc điều chỉnh TG, tăng thuế nhập khẩu... để kiềm chế lạm phát có thể tạo ra lợi ích cho nhóm này hoặc thu hẹp lợi ích của nhóm kia. Như câu chuyện tăng thuế nhập ôtô để giảm nhập siêu. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp chống độc quyền, liên kết giá..., các bộ ngành phải chủ động thông tin, giải thích thật cụ thể cho doanh nghiệp và người dân biết, tránh hiểu lầm, gây ra những phản ứng không đúng với chính sách.

 

Chống được lạm phát sẽ giảm chi phí của nhà xuất khẩu, lãi suất VND qua đó cũng giảm và tạo được sự thông thoáng trong thị trường. Hiện lạm phát đang làm xơ cứng các thị trường.

 

Theo ông, nhà xuất khẩu phải chịu đựng bao lâu?

 

Có thể 3-6 tháng. Tới đây Mỹ sẽ còn cắt lãi suất thêm, sau đó là giai đoạn phục hồi và sẽ có nhiều thay đổi sau bầu cử tổng thống Mỹ. Chu kỳ này từng diễn ra trong giai đoạn 2000-2001. Lúc đó tốc độ tăng GDP của VN cũng bị ảnh hưởng, dù nền kinh tế VN chưa hội nhập sâu. Còn hiện nay đã hội nhập sâu thì ảnh hưởng lớn hơn nhưng cũng dễ hồi phục hơn.

 

Nhưng TG giảm sâu có chắc là khai thông được thị trường ngoại tệ?

 

Phải có giải pháp linh hoạt và tính đến từng trường hợp. Người dân nắm giữ nhiều USD đang đổ ra bán. Trường hợp này chúng ta chấp nhận cho TG giảm sâu. Cho phép NH được mua theo giá thỏa thuận. Cơ chế này đang được áp dụng tại NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank). NH mua vào theo giá mà người có nhu cầu chấp nhận được chứ không bị ràng buộc bởi biên độ TG của NH Nhà nước. Riêng USD chuyển khoản vẫn phải theo biên độ của NH Nhà nước. Đồng thời NH Nhà nước cũng xem xét mua hết USD có nguồn gốc từ xuất khẩu. Sau đó, chúng ta mới cho TG giảm sâu để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

 

TG giảm sâu sẽ khó cho ngành giày dép, dệt may, vì vậy cần có những biện pháp hỗ trợ hai ngành này.

 

Việc cho VND lên giá quá cao có làm giảm sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của VN so với các nước trong khu vực?

 

Trong một năm qua USD đã giảm giá 14,75% so với EUR, với yen Nhật là 14,53%, đồng baht Thái Lan là 3,96%, peso Philippines 14,5%, đôla Singapore là 10,45%... Những tháng đầu năm USD chỉ giảm không tới 0,5% so với VND, còn trong năm 2007 mức giảm là không đáng kể. Vì vậy, việc giảm giá USD trong thời gian tới không tác động quá xấu đến xuất khẩu và cạnh tranh của hàng VN vì VND lên giá nhẹ nhàng hơn các đồng tiền của các nước trong khu vực. Hơn nữa giải pháp giảm giá USD chỉ là ngắn hạn.

 

Nhưng TG giảm sâu quá lại dẫn đến nhập siêu. Dự báo mới về nhập siêu không phải là 17 mà là 20 tỉ USD, thưa ông?

 

Bộ Công thương phải tính toán vấn đề này. Công văn 319 của Chính phủ về chống lạm phát có nói rồi. Không chỉ dùng thuế, cơ chế kỹ thuật, chúng ta cũng có thể dùng cả biện pháp hành chính, miễn là đừng vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới. Vừa rồi Chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu ôtô để giảm bớt chi ngoại tệ cho mặt hàng này. Thậm chí là cho tăng thuế ở trong nước để hạn chế tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách. Chúng ta cho TG giảm để kiềm chế lạm phát. Khi mục tiêu này đạt được thì chúng ta phải chuyển ngay sang khuyến khích xuất khẩu để cân bằng cán cân thương mại.

 

Cũng cần lưu ý là khuyến khích xuất khẩu không thể chỉ dựa vào TG mà còn tín dụng xuất khẩu, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng hàng hóa. Khi TG giảm, đó là cơ hội để các nhà xuất khẩu nhập máy móc thiết bị, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa.

 

Lần đầu tiên chúng ta "hi sinh" xuất khẩu để ưu tiên chống lạm phát, theo ông, bài học rút ra là gì?

 

Khuyến khích xuất khẩu không chỉ dựa vào TG mà còn nhiều chính sách khác như tín dụng, xúc tiến thương mại, chất lượng hàng hóa... Thời gian qua chúng ta đã dựa quá nhiều vào TG. Vì vậy, cần điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp phải chủ động hơn là dựa vào chính sách. Doanh nghiệp nên đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo, phòng chống rủi ro, bảo hiểm... Khi thấy kinh tế Mỹ có vấn đề, Mỹ giảm lãi suất USD thì phải chuyển hướng sang các thị trường khác, giảm bớt nhận thanh toán bằng USD hoặc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro TG...

 

Kinh nghiệm cho thấy doanh nghiệp nào biết đầu tư cho công tác này sẽ ít bị thiệt hại nhất.

Theo TT

>> Doanh nghiệp kêu lên chính phủ khó khăn về tỷ giá lãi suất

>> Tiền đồng tăng giá chưa đủ đô

>> Nới rộng biên độ, tỷ giá giảm sâu

Tin cùng chuyên mục