PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh: "Đừng mơ tưởng sau năm 2020, Hà Nội sẽ hết ùn tắc giao thông"

"Người ta quy hoạch cả đường bộ, đường thủy, công nghệ thông tin, hóa chất, du lịch… thậm chí còn muốn quy hoạch cả việc nấu rượu trong dân chúng. Đây là tư duy quản lý đã lỗi thời", PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định như vậy khi nói về quy hoạch hiện nay.

Ông cũng như nhiều chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc đã khẳng định, không nước nào có quy hoạch xây dựng, nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Vì sao vậy?

Tôi khẳng định, trên thế giới, không nước nào có quy hoạch xây dựng. Đối với Việt Nam, do chúng ta xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, nên muốn thực hiện được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì phải có một quy hoạch không gian vật thể và các nhà làm luật Việt Nam sử dụng khái niệm “quy hoạch xây dựng” nhằm mục đích phân biệt với quy hoạch kinh tế - xã hội.

PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội  

Cụ thể, quy hoạch xây dựng được hiểu thế nào, thưa ông?

Quy hoạch xây dựng được hiểu là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tóm lại, quy hoạch xây dựng gồm quy hoạch vùng; đô thị; khu chức năng đặc thù; nông thôn được lập căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia.

Trong thời kỳ nền kinh tế chưa hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, quy hoạch xây dựng là cần thiết để định hướng phát triển, là công cụ để quản lý nhà nước. Nhưng hiện nay, không thể quy hoạch trồng bao nhiêu diện tích cao su, cà phê, hồ tiêu, nuôi bao nhiêu tôm thẻ chân trắng, bao nhiêu cá basa…, bởi tất cả do thị trường quyết định, nên quy hoạch sản phẩm không cần thiết.

Quy hoạch xây dựng cũng hết vai trò lịch sử và được tích hợp vào hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nhiều người nêu lý do, nếu không có quy hoạch xây dựng và được quản lý theo luật chuyên ngành thì không có công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này?

Theo thống kê, hiện có tới 32 luật có điều khoản quy định về quy hoạch. Người ta quy hoạch cả đường bộ, đường thủy, công nghệ thông tin, hóa chất, du lịch… thậm chí còn muốn quy hoạch cả việc nấu rượu trong dân chúng. Đây là tư duy quản lý đã lỗi thời, không còn phù hợp trong cơ chế thị trường ngày càng mở cửa.

Trên một tuyến đường đô thị có tới 14 ngành quản lý, với 14 bản quy hoạch khác nhau...

Tôi muốn nói thêm rằng, nhiều bộ, ngành muốn có quy hoạch riêng được thực hiện bằng luật chuyên ngành, không phải họ muốn kéo việc về phía mình, cũng không phải muốn có thêm quyền hành hay vì lợi ích cục bộ, mà thực ra, các bộ, ngành đều coi quy hoạch là một công cụ để quản lý nhà nước, điều tiết vĩ mô. Tư duy quản lý bằng quy hoạch đã cũ, cần phải thay đổi, cần phải tích hợp các quy hoạch ngành lại với nhau và thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Ông có thể nói rõ hơn lợi ích của việc tích hợp quy hoạch?

Tích hợp quy hoạch là việc kết hợp nội dung các quy hoạch lại với nhau nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và liên kết của quy hoạch. Tích hợp là phải nhìn lợi ích của nhiều ngành nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa, hiệu quả, bền vững.

Ví dụ, trên một tuyến đường đô thị có tới 14 ngành quản lý, với 14 bản quy hoạch khác nhau, như cây xanh đô thị, cấp nước sạch, thoát nước thải, viễn thông, truyền tải điện… Để thu lại hiệu quả tổng thể cao nhất, phải tích hợp các quy hoạch đó với nhau. Nếu không, sẽ không tránh khỏi tình trạng hôm nay ngành điện đào đường để ngầm hóa đường dây điện, ngày mai ngành viễn thông lại đào lên để ngầm hóa “mạng nhện”, rồi đến cấp nước, thoát nước… tiếp tục đào lên, lấp xuống.

Luật Xây dựng có từ năm 2003, Luật Quy hoạch đô thị cũng có từ năm 2009, nhưng vì sao đô thị càng ngày càng ùn tắc, ngập lụt triền miên, thưa ông?

Ách tắc giao thông, ngập lụt ở đô thị không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là tình trạng chung trên thế giới. Cũng như các nước đang phát triển khác, khi nguồn lực có hạn, năng lực quản lý còn hạn chế, di dân từ nông thôn ra đô thị để mưu sinh lớn, lao động không chính thức đông đảo, thì vỉa hè vẫn được xem là nơi mưu sinh của một bộ phận người dân.

Trong khi đó, phương tiện giao thông công cộng ít, kết cấu hạ tầng cơ sở yếu kém, nên vấn đề ách tắc giao thông và ngập úng ở các đô thị Việt Nam chưa thể khắc phục ngay được.

Muốn chống được ùn tắc giao thông, tôi đã đưa ra giải pháp tăng năng lực quản lý, tăng kết cấu hạ tầng, tăng ý thức của người dân và giảm tốc độ tăng dân số cơ học.

Đây là cả một quá trình, không chỉ một luật, một quy định ra đời là sẽ giải quyết được bài toán này và cũng đừng mơ tưởng sau năm 2020, Hà Nội sẽ hết ùn tắc giao thông như lãnh đạo Hà Nội mong muốn, vì năng lực, trình độ quản lý chỉ có hạn; ý thức của nhiều người người tham gia giao thông chưa cao; thiếu kinh phí đầu tư cho các công trình công cộng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục