PGBank lên sàn với nhiều dấu hỏi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi kế hoạch sáp nhập vào HDBank chưa ngã ngũ, tuần qua, PGBank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ngày 24/12 vừa qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã đưa 300 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM, với giá khởi điểm là 15.500 đồng/cổ phiếu. Việc gia nhập sàn chứng khoán của PGBank thu hút sự chú ý của giới đầu tư không chỉ vì độ nóng của cổ phiếu “dòng bank”, của sóng chào sàn, mà còn vì những câu chuyện nội tại.

Quy mô vốn nhỏ, hiệu quả thấp

Tiền thân của PGBank là Ngân hàng thương mại cổ phần Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng đã trải qua 8 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện nay là 3.000 tỷ đồng. Theo bản cáo bạch chào sàn, hiện PGBank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Petrolimex đầu tư vào PGBank từ năm 2005. Với sự xuất hiện của tập đoàn này trong cơ cấu cổ đông, hiệu quả kinh doanh của PGBank có sự khởi sắc rõ rệt nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận của Ngân hàng lại trồi sụt liên tục.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của PGBank giảm 43% so với năm 2018. Năm 2020, PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước, trong khi doanh thu thuần là 1.006 tỷ đồng, giảm 16%.

Nguyên nhân dẫn đến kế hoạch trên là theo ước tính của Ngân hàng, dự phòng rủi ro tín dụng năm 2020 chỉ 232 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2019.

Trong quý III/2020, dù thu nhập lãi thuần tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 248 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác gấp 2,9 lần cùng kỳ, đạt gần 50 tỷ đồng, nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh gấp 3,3 lần cùng kỳ, lên mức gần 140 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 70% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của PGBank giai đoạn 2012 – 9T2020.
Kết quả kinh doanh của PGBank giai đoạn 2012 – 9T2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PGBank báo lãi trước thuế gần 132 tỷ đồng, mới hoàn thành 69% chỉ tiêu cả năm.

Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của PGBank tăng 9% so với đầu năm, lên mức hơn 34.396 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 10% so với đầu năm, đạt hơn 27.913 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của cá nhân, chiếm 67%, còn lại là tiền gửi của tổ chức kinh tế. Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, ghi nhận gần 24.886 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của PGBank tại thời điểm cuối quý III/2020 dù giảm 5% so với đầu năm, chủ yếu nhờ giảm 33% nhóm nợ nghi ngờ, nhưng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 81%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PGBank giảm nhẹ từ mức 3,16% hồi đầu năm xuống còn 2,87%.

Theo thống kê từ Vietstock Finance, tính đến thời điểm cuối quý III/2020, PGBank là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cao thứ 4 trong tổng số 25 ngân hàng trong nước.

Nợ xấu của PG Bank tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tính đến thời điểm 30/9/2020 vẫn còn 913 tỷ đồng. PGBank đã trích lập 601 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu “gửi” tại VAMC.

Dang dở câu chuyện sáp nhập

Việc PGBank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM diễn ra khi Ngân hàng từng công bố kế hoạch sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) khiến giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi về việc liệu hai bên có tiếp tục “về một nhà”.

Phương án sáp nhập này đã được đại hội đồng cổ đông hai bên thông qua vào tháng 4/2018. Theo đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến là 1 cổ phiếu PGBank lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch sáp nhập hai ngân hàng vẫn chưa có diễn tiến mới.

Báo cáo phân tích cổ phiếu HDB của Công ty Chứng khóan Yuanta Việt Nam, phát hành trước thời điểm PGBank được chấp thuận giao dịch trên UPCoM không lâu cho biết, “việc sáp nhập PGBank đang được cân nhắc, ban lãnh đạo HD Bank bày tỏ lo ngại rằng thương vụ này khó có thể xảy ra trong tương lai”.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc PGBank cho biết, Ngân hàng vẫn đang thực hiện hợp đồng sáp nhập với HDBank, đã có hợp đồng nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9/2018.

PGBank đã trình toàn bộ hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chính thức nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Ban lãnh đạo PGBank khẳng định sẽ đẩy mạnh lộ trình sáp nhập với HDBank và tiến hành làm việc với cơ quan quản lý để đốc thúc tiến độ.

Trước HDBank, PGBank từng được khuyến khích sáp nhập vào Vietinbank theo Đề án Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Hồ sơ sáp nhập và thỏa thuận hợp tác toàn diện đã được PGBank và Vietinbank ký kết từ năm 2015, song cuối cùng thương vụ đã không thành. MB cũng từng tiết lộ trong quá trình tìm hiểu PGBank để nhận sáp nhập ngân hàng này.

Sau hơn hai năm không có chuyển biến, rất có thể, kế hoạch sáp nhập vào HDBank của PGBank tiếp tục đổ bể.

Sau hơn hai năm không có chuyển biến, rất có thể, kế hoạch sáp nhập vào HDBank của PGBank tiếp tục đổ bể.

Trong một diễn biến khác, ông Trần Ngọc Năm, thành viên Hội đồng quản trị, đại diện sở hữu vốn của Petrolimex tại PGBank cho biết, “đến ngày 31/8/2020, nếu PGBank và HDBank không thực hiện sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn tại PGBank”.

Đến nay, thời hạn 31/8/2020 đã qua gần 4 tháng nhưng vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về việc Petrolimex thoái vốn tại PGBank. Bản cáo bạch chào sàn UPCoM cho biết, tính đến thời điểm 26/10/2020, Petrolimex sở hữu gần 40,6% vốn điều lệ tại Ngân hàng.

Bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao từ MSB sang

Trong khi kế hoạch sáp nhập “giậm chân tại chỗ” thì nhân sự cấp cao của PGBank có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã ký quyết định đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng và bổ nhiệm ông này làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng thời, ông Nguyễn Phi Hùng được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank từ ngày 2/11/2020 và từ 10/12/2020 chính thức được đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.

Trước khi gia nhập PGBank, ông Hùng có trên 20 năm kinh nghiệm với ngành tài chính - ngân hàng và từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Vận hành tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).

Vào tháng 5 năm nay, ông Hoàng Xuân Hiệp được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PGBank, phụ trách điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và tuân thủ. Theo giới thiệu của PGBank, ông Hiệp từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý và khai thác tài sản Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank AMC).

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2018, MSB là cổ đông lớn sở hữu 9,98% vốn tại PGBank. Tuy nhiên, tới đầu năm 2019, MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Chưa rõ giao dịch được thực hiện khi nào, chỉ biết tại thời điểm ngày 26/10/2020, PGBank ghi nhận có 10.592 cổ đông, gồm 53 tổ chức (tỷ lệ nắm giữ 67,37%) và 10.539 cá nhân (32,59%).

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục