Sự chậm trễ này là một đòn giáng khác đối với EU vốn cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc giao vắc xin từ nhà sản xuất AstraZeneca của Anh và công ty Moderna của Mỹ.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của kế hoạch kiểm soát phân phối vắc xin của EU được thiết lập vào cuối tháng 1/2021 để đảm bảo giao hàng kịp thời nhưng vẫn chưa được kích hoạt.
Vào giữa tuần trước, Pfizer đã giao cho EU 23 triệu liều vắc xin do BioNTech của Đức phát triển, theo một quan chức EU trực tiếp tham gia đàm phán với công ty Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, một quan chức khác cũng tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết, số lượng đó vẫn ít hơn khoảng 10 triệu liều so với Pfizer đã cam kết cung cấp vào giữa tháng 2/2021.
Vào giữa tháng 1/2021, nguồn cung tạm thời có một trục trặc mà các quan chức EU nói rằng phần lớn đã được giải quyết, nhưng rất nhiều liều vắc xin dự kiến giao vào tháng 12/2020 vẫn còn thiếu.
Vắc xin Pfizer/BioNTech đã được phê duyệt để sử dụng tại EU vào ngày 21/12/2020. Sau đó, BioNTech cho biết các công ty sẽ chuyển đến EU 12,5 triệu liều vào cuối tháng 12/2020.
Theo tính toán của Reuters, chỉ có khoảng 2 triệu liều dự kiến vào tháng 12/2020 đã được chuyển giao. Như vậy, sự thiếu hụt sẽ lên tới khoảng 30% tổng nguồn cung được cam kết giao cho cho EU giai đoạn từ tháng 12/2020 đến giữa tháng 2/2021.
Một quan chức EU cho biết, Pfizer đã cam kết giao những liều vắc xin còn thiếu vào cuối tháng 3/2020.
Cho đến nay, EU có hai hợp đồng với Pfizer để cung cấp 600 triệu liều vắc xin.
Trong khoảng thời gian từ ngày 30/1 đến ngày 16/2, EU đã bật đèn xanh cho 57 yêu cầu xuất khẩu vắc xin sang 24 quốc gia bao gồm Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), theo một phát ngôn viên của Ủy ban cho biết hôm thứ Tư (17/2).
Trước khi kế hoạch giám sát được thiết lập, EU cũng đã xuất khẩu hàng triệu vắc xin chủ yếu là của Pfizer sang Israel, Anh và Canada cùng những nước khác, theo dữ liệu hải quan được trích dẫn trong một tài liệu của EU được Reuters đưa tin.
Số liệu từ Our World in Data có trụ sở tại Đại học Oxford cho thấy, Israel đã tiêm liều vắc xin đầu tiên cho hơn 75% dân số. Trong khi con số đó của UAE là khoảng 50% và ở Anh là trên 20%.
Cũng theo dữ liệu Our World in Data, các nước EU hiện trung bình chỉ tiêm phòng cho khoảng 5% dân số của họ.
Các quốc gia có số lượng vắc xin cao đã tiêm chủng cho những người không thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất, trong khi những người có nhu cầu nhất ở quốc gia khác vẫn chưa được tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số các nước nghèo vào cuối năm nay.