Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp và khối lượng phát sinh không đúng quy định.
Kết quả thanh tra tại dự án này cũng cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu... gây thất thoát, lãng phí lớn. Do đó, Thanh tra kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ được PVTex chủ trương đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD (gần 5.500 tỷ đồng), trong đó chỉ có 30% vốn từ chủ sở hữu, còn lại phần lớn là vốn vay. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi một ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.
Trong quá trình triển khai, PVTex đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào dự án này, tăng thêm 34 triệu USD so với dự kiến ban đầu, lên 359 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng). Và thời gian thu hồi vốn dự án tăng thêm gần một năm, so với dự kiến 22 năm ban đầu.
Tuy nhiên, sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự náy này lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ; năm 2013 lỗ 366 tỷ và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.
Để PVTex bị thua lỗ, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các đơn vị liên quan gồm PetroVietnam, Vinatex và PVTex.
Cũng tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc dự án thua lỗ có nguyên nhân chủ quan từ khó khăn của thị trường, song cũng có sai phạm, thiếu sót trong chỉ đạo, giám sát của PetroVietnam, Vinatex và Bộ Công Thương.
PetroVietnam và Vinatex là đại diện sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến chi phí tăng cao. Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD. Việc tăng gần gấp đôi lượng cán bộ thực hiện dự án từ 830 người lên 1.025 người đã làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao.
Chưa hết, Thanh tra Chính phủ phát hiện theo quy định PVTex phải tổ chức thẩm định hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thẩm định tổng mức đầu tư, nhưng doanh nghiệp này đã không thực hiện, hệ quả là phê duyệt thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định.
Lãnh đạo doanh nghiệp đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng với một số khoản chi phí, hơn 38,7 triệu USD (gồm cả tỷ lệ dự phòng) là vi phạm quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, dù Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, giải quyết các tồn tại để đưa nhà máy đi vào hoạt động sản xuất ổn định, nhưng Thanh tra Chính phủ đánh giá các giải pháp này chưa đồng bộ, hiệu quả nên nhà máy vẫn phải dừng sản xuất.