Petrolimex và những khoản chi phí không dễ phán đoán

Năm 2020, một trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - CTCP (Petrolimex, mã PLX, sàn HoSE) là thực hiện tiết giảm chi phí. Vậy đâu là các khoản chi lớn của đại gia này?
Năm 2020, một trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Petrolimex là thực hiện tiết giảm chi phí. Năm 2020, một trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Petrolimex là thực hiện tiết giảm chi phí.

Lợi nhuận tăng nhờ giảm giá vốn

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2019, doanh thu thuần quý IV/2019 của Petrolimex đạt 49.339,5 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với mức 49.089 cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng tới 16%, đạt 1.132 tỷ đồng.

Lý do tăng trưởng của lợi nhuận quý IV được ông Nguyễn Bá Tùng, Kế toán trưởng Petrolimex cho biết tại văn bản giải trình rằng, do lợi nhuận hoạt động tài chính, lợi nhuận khác tăng. Ngoài ra, một số công ty con có đóng góp lợi nhuận cao cũng giúp lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng. Ví dụ, Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex tăng trưởng 53%, Tổng công ty Gas Petrolimex tăng trưởng 26% lợi nhuận.

Đó là tình hình kinh doanh quý IV/2019, nhưng tính chất chung của cả năm có một số yếu tố khác. Cụ thể, giá vốn hàng bán quý IV/2019 giữ ở mức 45.782 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm 2018. Song, tính chung cả năm, giá vốn hàng bán giảm so với cùng kỳ và đây là một trong những yếu tố tác động đáng kể đến lợi nhuận cả năm 2019 của doanh nghiệp số một ngành xăng dầu này.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, doanh thu thuần cả năm 2019 của Petrolimex đạt 189.600 tỷ đồng, sụt giảm so với kết quả doanh thu thuần năm 2018 là 191.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 4.772 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng khá tốt so với 4.159 tỷ đồng của năm 2018 (tăng hơn 14,7%).

Giá vốn hàng bán trong cả năm 2019 đạt 175.400 tỷ đồng, giảm khoảng 2.600 tỷ đồng so với năm 2018 và điều này giúp lợi nhuận gộp của Petrolimex đạt 14.255,5 tỷ đồng, tăng thêm hơn 355 tỷ đồng so với năm 2018. Lợi nhuận gộp tăng nhờ giá vốn hàng bán giảm, cộng thêm một yếu tố quan trọng nữa là việc tăng thêm của thu nhập tài chính.

Theo đó, nhiều khoản chi phí trọng yếu như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… tuy vẫn tăng trong cả năm, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng khá.

Rà soát các khoản chi phí

Năm 2020, Petrolimex đặt ra 7 giải pháp chủ yếu trong kinh doanh, trong đó có việc rà soát các khoản mục chi phí lớn để tiết giảm một cách hiệu quả.

Nhìn lại các khoản chi phí chủ yếu của Petrolimex, có thể thấy, khoản đáng quan tâm nhất là chi phí bán hàng. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp trong năm 2019 có giá trị 8.693,8 tỷ đồng, lớn gấp 9 lần chi phí tài chính và gấp tới 13,7 lần so với chi phí quản lý doanh nghiệp.

Quy mô chi phí bán hàng khá lớn như trên cho thấy, việc tiết giảm được một tỷ lệ nhỏ sẽ có tác động đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu này. Nhìn lại năm 2019, Petrolimex vẫn để chi phí bán hàng tăng thêm khoảng 1,7% so với năm 2018.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tuy có tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với chi phí bán hàng, nhưng trong năm 2019, khoản chi phí này cũng lên tới 632,6 tỷ đồng, tăng thêm hơn 64 tỷ đồng so với 568,4 tỷ đồng của năm trước. Số tiền này tuy chiếm tỷ trọng không quá lớn so với lợi nhuận cả năm của Petrolimex, nhưng mỗi khoản chi tiêu nếu cùng được tiết giảm, cũng ít nhiều giúp gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính có đóng góp đáng kể cho lợi nhuận của Petrolimex năm 2019, nhưng chặng đường năm 2020 lại là một giai đoạn mới với những kịch tính mới. Trong năm 2019, Petrolimex còn cắt giảm được khá nhiều lỗ chênh lệch tỷ giá.

Cụ thể, lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2018 của Petrolimex lên tới hơn 621 tỷ đồng, nhưng trong năm 2019 chỉ là 160 tỷ đồng. Trong khi đó, biến động tỷ giá năm 2020 là một ẩn số và việc doanh nghiệp tăng giảm lỗ tỷ giá ra sao, hoặc thậm chí có lãi nhờ chênh lệch tỷ giá hay không sẽ phụ thuộc khá nhiều vào sự “đỏng đảnh” của tỷ giá.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục