Dựa trên kịch bản dịch Covid-19 được khống chế cuối quý II/2020, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm được dự báo ở mức: Xăng 42 USD/thùng, DO 47 USD/thùng, KO 44 USD/thùng; FO 250 USD/tấn, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 122.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.570 tỷ đồng, lần lượt bằng 64% và 28% so với thực hiện năm 2019.
Bảng kế hoạch năm 2020 của PLX - nguồn tài liệu ĐHĐCD 2020
Trong định hướng phát triển của doanh nghiệp có nội dung đáng chú ý: Xây dựng phương án, lộ trình báo cáo chủ sở hữu phê duyệt để tổ chức thực hiện giảm vốn Nhà nước xuống 51% theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Giảm tỷ lệ vốn sở hữu của Tập đoàn tại Pjico xuống còn 35,1%; Thực hiện sáp nhập thành công PGBank và HDBank; Triển khai thực hiện kế hoạch thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên theo quy định của Chính phủ.
Những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2020
Thị trường xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được vận hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, nguồn cung trong nước đi vào ổn định sẽ tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước và 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ở nước ngoài là PLS và PLL vào năm 2020.
Từ ngày 01/01/2020, việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) sẽ khiến giá của nhiên liệu mới được thay thế dự kiến tăng 50% so với giá nhiên liệu cũ, làm chi phí vận tải đường biển năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 (khoảng 300 tỷ đồng).
Được biết, trong năm 2019, dựa trên kết quả lợi nhuận sau thuê là 3.224 tỷ đồng, doanh nghiệp dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 30%.