Penny stock là loại chứng khoán có mệnh giá nhỏ, thường do các công ty nhỏ tung ra thị trường. Bên cạnh thuật ngữ penny stock, đôi khi người ta còn sử dụng một số tên gọi khác mang nghĩa tương đương như microcap stock, small cap hay nano cap. Ở TTCK Mỹ, thuật ngữ penny stock được hiểu là những loại chứng khoán có trị giá thấp hơn 5 USD/cổ phiếu, được mua bán bên ngoài những thị trường lớn như NYSE, NASDAQ hay AMEX và thường được xem là kém hấp dẫn. Còn ở TTCK Anh, penny stock là cổ phiếu của công ty có vốn hóa thị trường nhỏ hơn 100 triệu bảng hoặc có thị giá nhỏ hơn 1 bảng. UBCK Anh cảnh báo, penny stock thường được giao dịch với mức thanh khoản thấp, nghĩa là những người nắm trong tay cổ phiếu này sẽ gặp khó khăn khi bán do không tìm được người mua có nhu cầu tương ứng và vì vậy rất khó định giá. Các nhà đầu tư khi đầu tư vào penny stock cần lường trước khả năng sẽ mất toàn bộ số tiền đầu tư khi không thể bán được cổ phiếu này trên thị trường.
Penny stock được đánh giá là loại chứng khoán chứa đựng độ rủi ro rất cao, đặc biệt là khi được mua bán với số lượng nhỏ mà không trên giấy tờ chính thức. Bởi vì penny stock không được buôn bán thường xuyên trên những sàn giao dịch, nên rất khó khăn cho những ai đang sở hữu chúng khi muốn bán đi. Hơn nữa, không có danh sách báo giá cho một loại cổ phiếu penny stock bất kỳ, nên không có cơ sở để định giá chúng một cách chính xác khi giao dịch. Chính vì vậy, các nhà đầu tư luôn phải chuẩn bị trước tình thế thua lỗ khi buôn bán loại cổ phiếu này. Thanh khoản kém và biên độ dao động lớn của giá làm cho cổ phiếu penny stock là loại cổ phiếu dễ bị tổn thương nhất đối với các nhà đầu tư.
Blue-chip là loại cổ phiếu "chất lượng cao" hay còn gọi là cổ phiếu "thượng hạng", do các công ty lớn, có tiếng phát hành. Từ blue-chip bắt nguồn từ loại thẻ đổi tiền khi chơi bài poker tại các sòng bạc. Chips là loại thẻ nhựa đổi tiền khi đánh bạc. Giá trị quy đổi của chips sẽ phục thuộc vào màu sắc của chips (gồm xanh, đỏ, vàng, trắng). Theo thông lệ, chips màu xanh (blue) có giá trị quy đổi cao nhất. Khái niệm này sau đó đã được ứng dụng vào TTCK để phân loại các cổ phiếu. Loại cổ phiếu blue-chip thường được hiểu là có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp. Theo một cách khác, cổ phiếu blue-chip còn được định nghĩa như là cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn. Chẳng hạn, trên TTCK quốc tế, cổ phiếu của các công ty như Shell, Coca Cola, IBM, Microsoft… là các cổ phiếu blue-chip.
Một cổ phiếu được coi là blue-chip phải là một cổ phiếu của công ty có danh tiếng, doanh thu ổn định và không bị nợ đọng vượt quá khả năng chi trả. Hầu hết các cổ phiếu blue-chip luôn được trả cổ tức đều đặn, ngay cả khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi ở một thời điểm nào đó. Khi muốn đầu tư vào một cổ phiếu tương đối an toàn, ổn định thì blue-chip luôn là lựa chọn số 1, cho dù giá cổ phiếu loại này tương đối cao. Thông thường, những cổ phiếu như vậy được tin tưởng là có độ rủi ro thấp và sẽ tạo ra các khoản lãi đáng tin cậy, mặc dù không lớn.
Một khái niệm tương đương với blue-chip là cổ phiếu dẫn dắt (bellewther). Trên thực tế, đó là cổ phiếu của một công ty được công nhận là công ty hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình. Microsoft có thể được coi là cổ phiếu dẫn dắt trong ngành công nghiệp phần mềm. Thường thì hoạt động kinh doanh của các công ty này được coi như dự báo ngành công nghiệp đó sẽ phát triển như thế nào. Một khái niệm khác cũng tương đương với blue-chip là large cap. Cổ phiếu loại này là cổ phiếu của các công ty có lượng vốn hóa thị trường đặt biệt lớn, do số lượng cổ phiếu niêm yết lớn và thị giá cao.