Pemex mất dầu mới lo đi kiện

(ĐTCK-online) Mới đây, Petroleos Mexicanos (Pemex), tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico đã chính thức đệ đơn lên Tòa án ở TP.Houston (bang Texas - Mỹ) kiện 9 công ty Mỹ cùng 2 cá nhân mang quốc tịch Mỹ đã từng trực tiếp tham gia vào việc mua dầu thô và xăng dầu của Tập đoàn bị lấy trộm, ăn cắp.
Pemex mất dầu mới lo đi kiện

Đó là các công ty Big Star Gathering LTD, F&M Transportation Inc., Western Refining Company LP, Joplin Energy LLC, Superior Crude Gathering Inc. và  Plains All-American đều có trụ sở ở bang Texas; TransMontaigne Partners LP ở TP.Denver (bang Colorado);  SemCrude LP ở TP. Oklahoma (bang  Oklahoma) và Saint James Oil Inc. ở TP. Sandy (bang Utah) cùng 2 người  có tên là James Jensen và Jeff Kirby.

Trong buổi họp báo thông báo về quyết định khởi kiện, ông Juan Jose Suarez Coppel, Giám đốc điều hành (CEO) Pemex cho biết, ước tính bình quân mỗi ngày, Tập đoàn bị mất lượng dầu tương đương số dầu ở 100 xe chở dầu lớn (cỡ hàng nghìn thùng dầu thô). Ông này thừa nhận, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, Pemex đã mất đứt lượng dầu thô trị giá lên tới 250 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ đoạn phổ biến của bọn trộm dầu là khoan lỗ hút dầu ở đường ống dẫn dầu. Song do áp suất trong đường ống cao và dễ cháy nổ, nên nguy cơ cháy nổ rất cao, nên bọn trộm phải bắt tay với các đối tượng xấu ngay trong hàng ngũ nhân viên Pemex. Chẳng hạn, các đối tượng này họ báo cho trộm biết khu vực có áp suất dầu thấp, hay đang tiến hành bảo dưỡng... để trộm dễ dàng khoan lấy dầu.

Ông Juan Jose Suarez Coppel cho biết thêm, từ đầu năm đến năm, lực lượng an ninh, bảo vệ của Pemex đã phát hiện được 556 vị trí khoan trái phép trên hệ thống ống dẫn dầu của Pemex, trong khi cả năm ngoái con số này là 710 lỗ. Bang Sinaloa được coi là "thánh địa" của các phần tử ăn trộm dầu, riêng năm nay đã phát hiện ở đây 150 lỗ khoan trái phép. Bọn ăn trộm ở đây còn có đội xe chở dầu riêng. Xăng dầu ăn cắp được thì bán ngay ra ở thị trường trong nước, còn dầu thô thì phải gom để bán cho nhiều công ty ở Mỹ.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Mexico Jose Antonio Meade, các băng nhóm tội phạm tham gia ăn trộm dầu ngày càng liều lĩnh và sử dụng công nghệ cao... Mới đây, cơ quan công an Mexico đã khởi tố vụ án có tới 140 người Mexico bị bắt quả tang tham gia đục phá đường ống dẫn dầu và cả 2 nhân viên hải quan tiếp tay cho các xe chở dầu ăn cắp đi qua biên giới trót lọt.

Điều kỳ quặc và có phần khó hiểu là, Pemex biết là mất trộm dầu thô với khối lượng không nhỏ kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Chắc chắn sẽ có câu hỏi thắc mắc rằng, dầu thô hay xăng dầu đâu phải là mặt hàng gọn nhẹ, dễ ăn trộm, dễ tiêu thụ và tại sao Pemex lại phải chịu bị bó tay?

Nhiều người am hiểu tình hình đều có chung một nhận định, đây là một trường hợp điển hình của tình trạng "cha chung không ai khóc".

Pemex là một mô hình tổng công ty nhà nước lạc hậu, lỗi thời, với cách quản lý sơ cứng nặng về hành chính... Nói tóm lại, đây là mô hình tập đoàn trì trệ. Nhiều người ví Pemex là người khổng lồ, nhưng rất chậm chạp, kém linh hoạt.

Pemex ra đời năm 1938 trên cơ sở Chính quyền khi đó đã quốc hữu hóa một số cơ sở tư nhân khai thác dầu. Từ đó đến nay, một mình một chợ, Pemex độc quyền trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu thô và lọc hoá dầu ở Mexico .

Cũng phải thừa nhận thực tế, Pemex là tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Mexico, đóng góp từ 30 đến 40% nguồn thu ngân sách. Hiện Mexico cũng là một trong số 3 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất sang Mỹ, bên cạnh Canada Saudi Arabia .

Về bản chất, Pemex hoạt động như một cơ quan nhà nước, hơn là một tập đoàn kinh tế. Mọi kế hoạch chi tiêu, đầu tư hàng năm của Pemex đều phải được Quốc hội Mexico thông qua. Vì thế, lãnh đạo hầu như bị "bó chân bó tay" trong việc hoạch định chiến lược, chính sách đầu tư dài hạn...

Ông Enrique Sira, Giám đốc Công ty tư vấn năng lượng IHS Cera (Mexico) nhận xét, sản lượng khai thác dầu thô của Mexico đang có chiều hướng giảm và đây là nguy cơ tạo ra khủng hoảng không chỉ với Pemex, mà cả Chính phủ Mexico. Ông Enrique Sira nêu dẫn chứng, vào thời điểm cực thịnh (năm 2004), mỗi ngày, Pemex khai thác 2,1 triệu thùng dầu/ngày. Song từ đó đến nay, sản lượng liên tục giảm, hiện chỉ ở mức 1,2 triệu thùng/ngày. 

Trong 20 năm qua, Pemex không xây thêm nhà máy lọc hóa dầu mới nào. Vì thế, Mexico hiện đang xuất dầu thô và nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, dầu diesel. Ông Jon Blickwede, chuyên gia cao cấp của Tập đoàn dầu khí Statoil (Na Uy) nhận định, Pemex cần thay đổi mô hình theo đúng nghĩa doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, phải đầu tư mạnh cho công nghệ cao... tránh nguy cơ càng ngày, càng tụt hậu. "Việc Pemex mất trộm dầu và phải theo kiện chỉ là một hậu quả mà thôi", ông Jon Blickwede bình luận.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục