Hôm nay (22/9), PBOC đã bơm 120 tỷ nhân dân tệ (18,6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các hợp đồng repo ngược (Reverse Repurchase Agreements).
Như vậy, số tiền bơm ròng trong ngày 22/9 là 90 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD), tương đương với mức bơm thanh khoản của ngày 17/9 và thấp hơn một chút so với mức bơm thanh khoản của ngày 18/9.
PBOC bơm thanh khoản vào hệ thống thông qua hợp đồng repo ngược |
Eugene Leow, chiến lược gia lãi suất cấp cao của DBS Bank ở Singapore cho biết: “Việc bơm ròng của PBOC có lẽ nhằm xoa dịu tâm lý khi thị trường lo lắng về Evergrande. Mặc dù mục đích có thể là để tăng cường kỷ luật, nhưng cũng cần phải ngăn chặn sự lây lan vào nền kinh tế thực hoặc sang các lĩnh vực khác”.
Nhằm xoa dịu thị trường trong bối cảnh các cổ phiếu liên quan đến Trung Quốc sụt giảm trên các thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây trong bối cảnh lo ngại về rủi ro vỡ nợ tiềm tàng của Evergrande, các nhà phân tích phố Wall đã tìm cách trấn an rằng, Evergrande sẽ không dẫn đến một “khoảnh khắc Lehman”.
Hoạt động bơm thanh khoản của Trung Quốc nhằm đạt được sự cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang bị tổn thương bởi các đợt bùng phát dịch Covid mới và các quy định chặt chẽ hơn, đồng thời ngăn chặn bong bóng tài sản.
Các nhà chức trách Trung Quốc có xu hướng nới lỏng thanh khoản vào cuối quý do nhu cầu tiền mặt từ các ngân hàng tăng lên để đáp ứng các bài kiểm tra tính an toàn của hệ thống theo quy định. Các ngân hàng cũng cần tích trữ nhiều tiền hơn trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần bắt đầu vào 1/10.
Trong khi đó, Evergrande cho biết, họ có kế hoạch trả lãi đến hạn vào thứ Năm (23/9) cho các trái phiếu nội địa.
Theo đó, Evergrande đã đàm phán kế hoạch với các trái chủ để trả lãi đến hạn vào ngày 23/9 đối với trái phiếu nội địa bằng đồng nhân dân tệ. Theo Bloomberg, số tiền lãi mà Evergrande phải thanh toán vào 23/9 là 232 triệu nhân dân tệ (35,88 triệu USD). Trước đó, Evergrande đã lỡ hẹn thanh toán khoản lãi đến hạn vào ngày 20/9 cho ít nhất 2 ngân hàng.
Giới phân tích tỏ ra không chắc chắn về việc các rắc rối tài chính tại Evergrande với khoản nợ 305 tỷ USD sẽ được giải quyết, bởi đến nay, Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo công khai nào về một giải pháp can thiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các định chế tài chính lớn như Citigroup, Barclays Plc và UBS Group AG đều cho rằng, cuộc khủng hoảng Evergrande không có khả năng trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Plc ở Hồng Kông cho biết, chỉ tăng cường thanh khoản sẽ không đủ để tự giải quyết cuộc khủng hoảng của Evergrande.
“Những gì thị trường hy vọng chính phủ sẽ làm là đưa ra một kế hoạch có thể giúp công ty tái cấu trúc và tái cấp vốn một cách suôn sẻ. Điểm mấu chốt của Trung Quốc là họ sẽ không cho phép vấn đề Evergrande biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện hoặc để nó gây ra bất kỳ rủi ro hệ thống nào”, ông cho biết.