Passion Investment có lách Luật Chứng khoán?

(ĐTCK) Dưới góc độ lựa chọn mô hình doanh nghiệp, người kinh doanh có lý do để chọn thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thay vì chọn mô hình hoạt động dưới hình thức là công ty đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán.
Passion Investment có lách Luật Chứng khoán?

“Né” trách nhiệm

Liên quan đến nghi ngờ của thị trường về việc Passion Investment có dấu hiệu lách Luật Chứng khoán để huy động vốn và triển khai các hoạt động đầu tư na ná như một quỹ đầu tư chứng khoán, ý kiến từ Passion Investment khẳng định: Passion Investment không phải là quỹ đầu tư, mà là công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chịu sự quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.

Hoạt động của Công ty không phải là hoạt động của quỹ đầu tư, mà là hoạt động đầu tư chứng khoán, dựa trên nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty và các nguồn vốn huy động được từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh…

Với trường hợp của Passion Investment, có ý kiến đặt câu hỏi, phải chăng công ty này hoạt động gần như công ty đầu tư chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán, nhưng giấy phép thành lập và mô hình tổ chức lại không như vậy?

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico phân tích, tạm thời chưa bàn về hình thức huy động vốn cũng như phương thức đầu tư, nếu thuần túy nhìn nhận dưới góc độ lựa chọn mô hình doanh nghiệp, người kinh doanh có lý do để chọn thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thay vì chọn mô hình hoạt động dưới hình thức là công ty đầu tư chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán vì phải chịu những ràng buộc khắt khe.

Theo Luật Chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp để đầu tư chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán. Giấy phép này đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Để được cấp phép hoạt động theo mô hình công ty đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện như có vốn tối thiểu 50 tỷ đồng, tổng giám đốc và nhân viên quản lý có chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong trường hợp công ty đầu tư chứng khoán tự quản lý vốn đầu tư.

Ngoài ra, công ty đầu tư chứng khoán phải tuân thủ các quy định về hạn chế đầu tư, các nội dung liên quan đến định giá tài sản và chế độ báo cáo, các nghĩa vụ của công ty đại chúng… Đặc biệt, toàn bộ tiền và tài sản của công ty đầu tư chứng khoán phải được lưu ký tại một ngân hàng giám sát.

Để né những ràng buộc trên, việc doanh nghiệp tìm cách thành lập công ty mang “vỏ” theo Luật Doanh nghiệp, nhưng “ruột”- phương thức đầu tư lại có hơi hướng của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán dễ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hình ảnh hoạt động của thị trường chứng khoán. Thực tế, sau khi có phản ánh từ thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Passion Investment, yêu cầu Công ty có những điều chỉnh về thông tin để tránh gây hiểu lầm cho nhà đầu tư.

Chưa có công ty đầu tư chứng khoán

Luật Chứng khoán có hiệu lực cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty đầu tư chứng khoán nào ra đời.

Theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, công ty đầu tư chứng khoán có thể tổ chức dưới dạng riêng lẻ (tối đa 99 cổ đông) hoặc đại chúng (chào bán cổ phiếu ra công chúng). Cuối năm 2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 227/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý công ty đầu tư chứng khoán.

Nhiều ý kiến cho rằng, không có ưu đãi về thuế, trong khi chịu nhiều ràng buộc, nên không ai mặn mà thành lập công ty đầu tư chứng khoán.   

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục