Quản trị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Liên tục nhiều năm qua, PAN luôn thể hiện sự kiên định với mục tiêu phát triển bền vững và ghi nhận những thành tích trong kinh doanh đáng ghi nhận, cho thấy sự thích ứng linh hoạt cũng như chống chọi tốt với nhiều yếu tố bất định.
Theo đánh giá của Hội đồng Bình chọn Báo cáo Phát triển bền vững 2023, PAN là doanh nghiệp với nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động đặc thù, nhưng lại cho thấy sự nhất quán trong việc thiết lập và phát triển chuỗi giá trị hoàn chỉnh Farm - Food - Family như một lợi thế cạnh tranh của mình.
Trong đó, chuỗi cung ứng nông - thủy sản với 220 đại lý, hợp tác xã, thương lái; 36.381 hộ nông dân trên 31.919 ha, nuôi trồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam… đã tạo nên một tác động xã hội đáng kể khi đã tạo ra việc làm trực tiếp cho 9.829 lao động, với mức thu nhập trung bình 11,88 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,43 lần so với mức lương trung bình của Việt Nam.
Với chiến lược phát triển nhanh thông qua M&A nên PAN cần huy động vốn và tìm kiếm cơ hội giải ngân vốn đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng. Để thực hiện được mục tiêu này, Tập đoàn duy trì cơ cấu thành phần Hội đồng quản trị tương đối lớn và đa dạng về chuyên môn, bao gồm: các chuyên gia về tài chính, quỹ đầu tư; các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hay thành viên Hội đồng quản trị am hiểu về các doanh nghiệp nhà nước. Cấu trúc Hội đồng quản trị này sẽ hỗ trợ PAN thực thi tốt (huy động được vốn, tìm kiếm được cơ hội tốt cho đầu tư)
Song song đó, Tập đoàn rất chú trọng hoàn thiện các hoạt động quản trị liên quan tới minh bạch hóa thông tin và đảm bảo công bằng với cổ đông. Cụ thể là có chính sách tiêu chuẩn riêng về công bố thông tin (song ngữ Anh - Việt); thiết lập chính sách về liêm chính, chống tham nhũng theo tiêu chuẩn IFC… Một công ty với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu, kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư thế giới không thể không đề cao hoạt động này.
Nông nghiệp, thực phẩm là ngành sử dụng nhiều tài nguyên và có ảnh hưởng đáng kể tới môi trường, xã hội. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Điều này được PAN nhận thức rõ và đưa các yếu tố ESG (E-Môi trường, S-Xã hội, G-Quản trị), nhất là E&S rất sớm vào khung và các hoạt động quản trị doanh nghiệp, cụ thể thành lập Ủy ban Phát triển bền vững thuộc Hội đồng quản trị để chỉ đạo thực hiện và giám sát các vấn đề liên quan tới E&S; đánh giá định kỳ các rủi ro E&S từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh và báo cáo Hội đồng quản trị; đo lường, lượng hóa các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất - kinh doanh tới môi trường xã hội định kỳ và các các giải pháp khắc phục, cải thiện hàng năm. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động, dự án CSR: sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy bình đẳng giới; triển khai dự án Nguồn sống lâm sinh tại nhiều địa phương; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp…; lập và công bố rộng rãi báo cáo phát triển bền vững hàng năm.
Tương tự các năm trước, PAN tiếp tục duy trì bộ chỉ số Phát triển bền vững riêng của mình với ưu điểm bao trùm, thể hiện đầy đủ các khía cạnh ESG trong hoạt động. Với đặc thù hoạt động lấy nông nghiệp làm nền tảng, tác động đến môi trường là rất đáng kể và được thể hiện như một lĩnh vực trọng yếu.
Trên thực tế, trong chiến lược quản trị của PAN, các nội dung phát triển bền vững, cụ thể là ESG được đưa vào từ rất sớm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Không chỉ tiên phong vào yếu tố G với sự tham gia từ rất sớm của các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như IFC, mà PAN còn tiên phong trong các khía cạnh E&S khi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp, thực phẩm và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu (50%).
Ngay từ năm 2015, PAN đã thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn GRI và chỉ số phát triển bền vững của Tập đoàn hàng năm; ban hành Bộ quy tắc ứng xử và Bộ nguyên tắc hành động PAN làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thêm vào đó, hoạt động phát triển bền vững được quản trị theo mô hình 3 cấp: cấp chiến lược với sự kiểm soát của Tiểu ban Phát triển bền vững, gồm các thành viên Hội đồng quản trị, cấp điều hành với Ban chỉ đạo phát triển bền vững và cấp thực thi với bộ phận phát triển bền vững chuyên trách phối hợp cùng các điều phối viên chương trình phát triển bền vững tại mỗi công ty thành viên.
Cùng lan toả và tạo giá trị tới các bên liên quan
Làm sao với một tập đoàn có nhiều công ty thành viên trong các lĩnh vực, vừa độc lập, vừa có mối tương quan nhưng vẫn có thể lan toả giá trị văn hóa, quản trị tới từng thành viên? Câu trả lời của PAN đó chính là đề cao sự tự chủ và tự quyết (tăng tốc độ) trong hoạt động kinh doanh, nên không đặt nặng quản trị công ty con thông qua xây dựng và ban hành hệ thống quy trình quản trị quá chi tiết.
Trong đó, sự gắn kết của các công ty trong hệ sinh thái không dựa trên quy định, quy chế hay quy trình báo cáo; mà chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: (i) mục tiêu chung là phát triển ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích tương xứng hơn của người nông dân; (ii) hướng đến giá trị chung: đề cao hiệu quả kinh doanh và lợi ích hài hòa, bền vững - là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, quyết định kinh doanh và các yêu cầu cao nhất về sự minh bạch trong thông tin; (iii) văn hóa hóa doanh nghiệp - đang được từng bước xây dựng qua rất nhiều các hoạt động tập thể để gắn kết các đơn vị, công ty ở các mảng khác nhau nhưng cùng mục tiêu và hệ giá trị: CEO Summit, PAN Gala, Innovation Awards, giải thể thao, sự kiện, hội chợ…
PAN luôn kiên định với chiến lược xuyên suốt là phát triển bền vững, cộng hưởng với đặc thù của ngành nông nghiệp là ngành có ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người nông dân (70% dân số Việt Nam vẫn đang làm việc trong ngành nông nghiệp) – nên khung quản trị công ty của PAN có nhiều điểm hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích hài hòa của nhiều bên.
Ngay từ trong mục tiêu dài hạn, ngoài lợi ích cho Công ty, cổ đông, PAN đặt lợi ích của cả nền nông nghiệp Việt Nam và người nông dân (nâng cao thu nhập tương xứng) vào trong mục tiêu dài hạn của mình... Từ đó, Hội đồng quản trị có định hướng để quyết định các chiến lược kinh doanh phù hợp hướng tới mục tiêu này.
PAN cũng tạo kênh trao đổi thường xuyên với người nông dân để lắng nghe các mối quan tâm của họ - thông qua các chương trình đào tạo, chương trình hỗ trợ tại các công ty con để kết nối và cùng nhau phát triển sản xuất - kinh doanh.
Với thế mạnh trong việc xây dựng một mô hình chuỗi giá trị khép kín, trong đó cung cấp cho bà con các giải pháp nông nghiệp bền vững, PAN cũng chủ động đưa ra các sáng kiến, hỗ trợ các hoạt động hướng tới giảm phát thải môi trường, hỗ trợ đời sống cộng đồng, nâng cao thu nhập cho những người yếu thế nhất trong chuỗi giá trị.
Với nỗ lực của nhóm thực hiện các báo cáo thường niên, báo cáo quản trị và báo cáo phát triển bền vững của PAN đã mang đến người đọc một bức tranh đầy đủ, sinh động, có đầy đủ dữ liệu định tính và định lượng…, qua đó tạo ưu thế và được Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023 đánh giá cao.
Đây là Cuộc bình chọn đánh giá và khuyến khích nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch, tăng cường khả năng truyền tải thông tin đến các nhà đầu tư, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển ngày càng bền vững. Tiêu chí Cuộc bình chọn được cải thiện, nâng cấp hàng năm theo hướng khắt khe hơn, hướng nhiều hơn tới các thông lệ tốt quốc tế, theo đó, các doanh nghiệp duy trì và đạt giải các năm như PAN cho thấy sự chủ động thích ứng và tiến lên của các doanh nghiệp.
Mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN cũng được nhận danh hiệu cao nhất “Hội đồng quản trị của năm”, giải thưởng do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Giải thưởng vinh danh đội ngũ Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết khi ghi nhận những thành tích xuất sắc, xứng đáng với sự nỗ lực toàn diện trong nhiều khía cạnh quản trị và đáp ứng tối ưu các tiêu chí quản trị hiệu quả được đề ra.