Mới đây, tài khoản “Binh Thai Nguyen” chia sẻ trong Launch, nhóm tập hợp các công ty khởi nghiệp trên Facebook, về thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp này.
Theo tài khoản, có một số vấn đề trong quá trình làm việc và anh đã liên tục gửi email, tống đạt công văn cho Giám đốc ủy quyền ký hợp đồng là ông Dushyant Dwibedy và đại diện pháp luật Công ty ở Việt Nam là bà Đào Thị Bích Trâm, nhưng hơn một tháng nay vẫn không có phản hồi.
Đây không phải là trường hợp duy nhất, trước đó, anh Dũng - chủ nhà trọ quận 1 (TP.HCM) cũng gặp tình trạng tượng tự. Anh ký hợp đồng với OYO và chịu phí hoa hồng từ 25% cho mỗi giao dịch phát sinh. Tuy nhiên, khách sạn của anh Dũng hiện có 4 phòng đang cho thuê dài hạn, đã ký hợp động trước khi anh hợp tác với OYO, nhưng Công ty vẫn tính phí hoa hồng của các phòng này. Anh Dũng đã nhiều lần phản ánh nhưng không có kết quả.
Anh Dũng cho biết thêm là OYO cam kết các khoá đào tạo quản lý miễn phí cho nhân viên trong quá trình hợp tác, nhưng không thực hiện. Sau vài tháng, Dũng ngừng hợp tác.
Anh Phúc, chủ khách sạn ở quận 3 (TP.HCM) cho biết, sau khi thử tổng đài chăm sóc khách hàng của OYO, không đặt ở Việt Nam vì nhân viên nói tiếng Anh, anh quyết định không hợp tác. Theo anh Phúc, khách sạn là ngành kinh doanh nhạy cảm vì khách có thể lợi dụng để sử dụng các chất kích thích, tổ chức đánh bài. Hành động của OYO cho anh cảm giác đơn vị này không bảo vệ các đối tác khách sạn như anh.
Cách thức hoạt động của OYO như sau, công ty sẽ đặt logo của mình ở các khách sạn đối tác, cam kết đem chất lượng phục vụ chuẩn ba sao trên toàn hệ thống và hỗ trợ đối tác quảng cáo trực tuyến. Bên cạnh đó OYO tự giới thiệu là sẽ dùng các thuật toán để định giá phòng theo nhu cầu, nói nôm na giống như Grab khi giờ cao điểm giá sẽ cao hơn bình thường. Tuỳ vào vị trí của chủ khách sạn, OYO sẽ thu hoa hồng 20%-25% trên mỗi giao dịch phát sinh.
Trong thời gian ở Việt Nam, công ty này liên tục khuyến mãi để thu hút khách sạn. Công suất phòng cho thuê tăng lên nhưng chi phí cũng sẽ tăng theo. Các khoản chi phí tăng thì chủ khách sạn phải chịu, anh Phúc cho rằng nếu tính toán không khéo có thể bị thất thu.
Không chỉ ở Việt Nam, theo Reuters, làn sóng bất bình với cách hoạt động của OYO cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, thị trường chính của doanh nghiệp này. Các đối tác khách sạn tố công ty thu phí cao, cung cấp khách hàng ảo, thậm chí một số chủ doanh nghiệp còn tố đơn vị này chiếm dụng vốn.
Được thành lập vào năm 2013, OYO được định nghĩa là nền tảng nhượng quyền khách sạn công nghệ. Tháng 8/2019, Công ty nhận được 1,5 tỷ USD góp vốn từ nhà sáng lập Ritesh Agarwal, tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank (Nhật Bản), Lightspeed Venture Partners và Sequoia India. Ngay sau khi nhận vốn, OYO cho biết sẽ mở rộng ra các thị trường khác ngoài Ấn Độ. Trước khi các tố cáo bắt đầu dày đặc hơn, doanh nghiệp này được định giá khoảng 10 tỷ USD.
Tháng 7/2019. OYO gia nhập thị trường Việt Nam và cho biết sẽ đầu tư 50 triệu USD trong các năm tới. Tính đến thời điểm đó công ty đã có hệ thống hơn 20.000 khách sạn nhượng quyền trên toàn cầu. Áp lực mở rộng quá nhanh để trở thành kỳ lân tiếp theo của SoftBank đã làm hệ thống, nhân sự của OYO phát triển không kịp dẫn đến các hệ quả như hiện nay.
Giới đầu tư ngày càng tin rằng, sau Uber, WeWork, OYO sẽ là kỳ lân tiếp theo của SoftBank gặp hạn.