Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Chưa đến 1% được phủ vaccine, doanh nghiệp dệt may lo khó đáp ứng đơn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam, 7 tháng năm 2021 toàn ngành dệt may xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD. 
 Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Chưa đến 1% được phủ vaccine, doanh nghiệp dệt may lo khó đáp ứng đơn hàng

Tuy nhiên, trao đổi tại cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 4/8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, kết quả của ngành dệp may tháng 7 là như thế, nhưng sang tháng 8 với những khó khăn đang diễn ra vô cùng phức tạp ngành dệt may rất khó có thể duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khó khăn đầu tiên là Chỉ thị 16 tạo áp lực rất lớn lên cộng đồng doanh nghiệp làm tê liệt hệ thống sản xuất của doanh nghiệp ở 19 tỉnh phía Nam. Nhiều địa phương áp dụng máy móc kể cả doanh nghiệp chưa bị F0 vẫn bị đóng cửa. Việc kiểm soát đi lại của người dân khiến việc sản xuất của doanh nghiệp bị đứt gãy, công nhân không đi làm được, bộ phận phát triển mẫu cũng gặp khó khăn trong việc đi lại nên rất khó cho đơn hàng mùa tới.

“Xe chở hàng từ nhà máy đến xưởng wast vải, đến địa điểm thêu để hoàn tất sản phẩm cũng không được vì quy định cho rằng đó không phải hàng thiết yếu. Hàng xuất khẩu giờ cũng bị đưa vào hàng không thiết yếu”, ông Giang phản ánh.

Chia sẻ những áp lực của ngành dệt may ông Giang nói rằng, hiện nay nhiều đơn hàng phía Nam phải chuyển sang phía Bắc bây giờ cũng không thực hiện được vì không có sự thống nhất trong việc test covid. Nguyên liệu từ Bắc vào Nam cũng không chuyển được. Hàng loạt container hàng xuất không xuất được, nhập không nhập được.

“Cán bộ nhiều địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 rất máy móc không thống nhất”, ông Giang nói và đề xuất, để tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, ngân hàng cần nới room cấp hạn mức tín dụng, địa phương nơi có doanh nghiệp hoạt động cần có chính sách linh hoạt tạo điều kiện cho công nhân ở một số xí nghiệp nhà máy không bị F0 đi làm và giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm truy vết khi có F0. Bộ phận phát triển mẫu đơn hàng cũng cần phải được đi làm hàng ngày để phát triển sản phẩm cho các đơn hàng sắp tới.

“Đối việc tiêm chủng vaccine, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thống nhất đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các doanh nghiệp. Hiện nay, chưa đầy 1% trong tổng nhu cầu của doanh nghiệp dệt may được tiêm chủng, nên người lao động không yên tâm đi làm.

“Lao động của ngành dệt may đã di tản về các địa phương rất nhiều nên đỡ dịch việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp cũng cực kỳ khó khăn, khả năng chỉ có thể khôi phục được 50% năng suất lao động”, ông Giang cho biết.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục