Ông Trump xoa dịu, giới đầu tư thở phào

(ĐTCK) Lo ngại căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hồng Kông khiến giới đầu tư sợ hãi bán mạnh, nhưng phố Wall đã quay đầu hồi trở lại vào cuối phiên sau bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích Bắc Kinh gay gắt hôm 29/5, đề cập tới một loạt những vấn đề nóng bỏng trong quan hệ song phương, từ hoạt động gián điệp tới tình hình Hong Kong, đồng thời công bố một loạt biện pháp trả đũa được đánh giá là sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung chìm sâu vào khủng hoảng, theo CNN.

Tuyên bố của Tổng thống Trump là "phát súng" mới nhất trong cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, trong hàng loạt lĩnh vực từ thương mại, viễn thông, truyền thông, thị thực sinh viên, vấn đề Biển Đông, đại dịch Covid-19, và mới nhất là tranh cãi về quyền tự trị của Hồng Kông.

Ông Trump cũng cho biết, đang chỉ đạo chính quyền của mình bắt đầu quá trình loại bỏ đối xử đặc biệt đối với Hồng Kông.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giới đầu tư lo sợ, đẩy mạnh bán ra trong phiên cuối tuần, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, vào cuối phiên, bình luận của ông Trump cho biết, các biện pháp chống lại Trung Quốc nhằm đáp ứng luật pháp an ninh mới ít đe dọa đến nền kinh tế Mỹ hơn các nhà đầu tư đã lo ngại  Ngoài ra, ông Trump cũng không đề cập gì đến phải phá bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Điều này đã giúp các chỉ số quay đầu, trong đso Dow Jones thiếu chút may mắn nên không giữ được sắc xanh, còn S&P và Nasdaq đều đảo chiều thành công, thậm chí Nasdaq còn tăng mạnh.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones giảm 17,53 điểm (-0,07%), xuống 25.383,11 điểm. Chỉ asố S&P 500 tăng 14,58 điểm (+0,48%), lên 3.044,31 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 120,88 điểm (+1,29%), lên 9.489,87 điểm.

Phố Wall đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong đó Dow Jones tăng 3,75%, S&P tăng 3,01% và Nasdaq tăng 1,77%.

Trong tháng 5, phố Wall tiếp tục duy trì được đà hồi phục tháng thứ 2 liên tiếp, thậm chí mức tăng của S&P trong 2 tháng liên tiếp này là 17,21% còn mạnh nhất kể từ 2009. Cụ thể, trong tháng 5, chỉ số Dow Jones tăng 4,26%, S&P tăng 4,53% và Nasdaq tăng 6,75%.

Trong khi đó, lo ngại tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hồng Kông khiến chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ, với mức giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 142,19 điểm (-2,29%), xuống 6.076,60 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 194,28 điểm (-1,65%), xuống 11.586,85 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 75,95 điểm (-1,59%), xuống 4.695,44 điểm.

Dù điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,39%, chỉ số DAX tăng 4,63% và chỉ số CAC 40 tăng 5,64%.

Các chỉ  số này cũng có tháng tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng còn mạnh hơn tháng 4. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 2,97%, chỉ số DAX tăng 12,1% và CAC40 tăng 6,88% trong tháng 5.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nỗi lo căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Hồng Kông khiến chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm, nhưng mức giảm không quá mạnh khi được bù đắp bởi kỳ vọng kinh tế hồi phục. Tác động giữa 2 yếu tố trên khiến chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi trong phiên cuối tuần, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng khi giới đầu tư kỳ vọng vào các giải pháp kích thích kinh tế bổ sung, tạm bỏ qua căng thẳng với Mỹ.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 38,42 điểm (-0,18%), xuống 21.877,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,13 điểm (+0,22%), lên 2.852,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 171,29 điểm (-0,74%), xuống 22.961,47 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 1,05 điểm (+0,05%), lên 2.029,60 điểm.

Trong tuần, Hàn Quốc và Nhật Bản có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong đó chứng khoán Nhật Bản có tuần tăng mạnh, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng hồi nhẹ trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,31%, chỉ số Hang Seng tăng 0,14%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,89% và Kospi tăng 3,02%.

Chỉ có chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì được tháng tăng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 với mức tăng lần lượt là 8,34% và 4,21%, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng K ông điều chỉnh với mức giảm lần lượt là 0,27% và 6,83%.

Giá vàng có ngày tăng thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Hồng Kông, làm gia tăng rủi ro địa chính trị và kinh tế, làm vai trò trú ẩn của vàng được đẩy lên cao.

Kết thúc phiên 29/5, giá vàng giao ngay tăng 9,7 USD (+0,56%), lên 1.728,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 23,6 USD (+1,38%), lên 1.736,9 USD/ounce.

Dù tăng trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng giao ngay vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi giá vàng tương lai hồi trở lại. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 0,52%, còn giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,83%. Trong tháng 5, giá vàng giao ngay tăng 2,76% và giá vàng giao tháng 6 tăng 2,52%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp.

Với căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington nên cả giới phân tích và đầu tư đều đặt niềm tin vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát có 13 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 87%, cao hơn nhiều con số 59% của tuần trước, có 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 7%, thấp hơn con số 29% của tuần trước và 1 người dự báo đi ngang, chiếm 7%.

Tương tự, trong 1.090lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 623 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 57%, bằng với con số của tuần trước; 251 lượt dự báo giá giảm, chiếm 23%, thấp hơn so với 26% của tuần trước và 216 lượt dự báo đi ngang, chiếm 20%.

Kỳ vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục được thực thi, qua đó góp phần thúc đầy kinh tế chung giúp giá dầu thô Mỹ tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,78 USD (+5,02%), lên 35,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,04 USD (+0,11%), lên 35,33 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần hồi phục mạnh thứ 5 liên tiếp trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 6,74% và giá dầu thô Brent tương lai tăng 0,60%. Qua đó, cũng có tháng tăng vọt trở lại với mức tăng lần lượt là 88% và 39,7%. Với giá dầu thô Mỹ, đây là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/1999.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục