Nguyên nhân chính là do ông Trump, ngay từ những ngày đầu tranh cử, đã đặt ra những chính sách thiên về bảo vệ thị trường nội địa. Các chính sách này rất có thể sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào Trung Quốc, khi các loại thuế dành cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được nâng lên, thậm chí nhiều khả năng, nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ được đưa vào danh sách các quốc gia thao túng thị trường tiền tệ.
Một động thái mạnh mẽ như vậy được dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu Trung Quốc. Điều này rất có thể sẽ là khởi đầu của một cuộc chiến thương mại nếu Bắc Kinh quyết tâm trả đũa lại và kéo theo hàng loạt nền kinh tế Châu Á khác rơi vào “chảo lửa”.
Các dối tác thương mại lớn nhất của Mỹ năm 2015
Chưa kể đến một nỗi lo khác: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ gặp khó. Dòng chảy thương mại bị ảnh hưởng cùng với nhiều yếu tố bất ổn sẽ dẫn tới lượng đầu tư giảm dần và sự tăng trưởng chậm lại tại các quốc gia này. Tiếp đến là những mối lo ngại về sự hạn chế di chuyển của người dân giữa các quốc gia, nguy cơ dòng vốn quay trở lại Mỹ và nhiều mối nguy hại liên quan đến an ninh khác.
Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley đã nhận định: “Những thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ thương mại và an ninh giữa Mỹ và khu vực này rất có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực”.
“Việc đặt hàng loạt rào cản thương mại đối với Trung Quốc đưa các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế thứ hai thế giới này vào thế khó lựa chọn: chấp nhập cú hích để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng xuất khẩu yếu ớt hay sẽ đáp trả tương xứng”, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs Inc. đánh giá.
Đồng nhân dân tệ giảm giá cũng khiến dòng vốn tháo chạy khỏi quốc gia này với tốc độ nhanh hơn, gây sức ép lên nguồn dự trữ nước ngoài của Trung Quốc và “hút cạn” tiền từ một nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đang chậm dần.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại Goldman: “Mỹ có thể sẽ đưa ra chính sách mới làm suy yếu nhanh hơn đồng nhân dân tệ và cho dù Trung Quốc đã sớm có nhận định về việc này, diễn biến giảm giá nhân dân tệ là khó tránh khỏi”.
Theo khảo sát được thực hiện bởi Nomura Holdings Inc, dưới sự điều hành của Tổng thống Trump, một loạt nguy cơ mới sẽ xuất hiện: từ mối nguy về một nền kinh tế bảo hộ quá mức tới những đe dọa về an ninh khu vực nếu Mỹ quyết định cắt những hỗ trợ quân sự tới các đồng minh tại châu Á.
Như vậy, có một kết luận rõ ràng rằng, tiếp theo Mexico, châu Á sẽ là “nạn nhân” hứng chịu nhiều rủi ro nhất.
Các khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất khi ông Trump nắm quyền
Cũng theo báo cáo của Nomura mang tên “châu Á dưới đế chế Trump”, 77% số người tham gia khảo sát dự đoán rằng, Mỹ dưới quyền của Trump sẽ đưa Trung Quốc và danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, 75% cho rằng vị tổng thống này sẽ áp đặt thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; và chỉ có 37% thực sự tin rằng tổng thống Trump sẽ giữ đúng lời hứa dựng nên bức tường dọc biên giới Mexico.
Nhận định của các chuyên gia không phải không có cơ sở. Châu Á vốn được coi là công xưởng của toàn thế giới và nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực này phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Chính vì vậy các quốc gia này sẽ phải đối mặt với mối nguy lớn nếu hàng rào thuế thực sự được dựng lên. Nomura nhận định: Trung Quốc đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất trong năm vừa qua của Mỹ; chính vì thế, nếu các rào cản thương mại được áp dụng, lẽ tất yếu là hàng loạt các quốc gia Châu Á khác sẽ cùng hứng chịu hậu quả.
Hứng chịu ảnh hưởng lớn nhất trong số các quốc gia châu Á là Hàn Quốc và Philippines. Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những đòn dữ dội giáng xuống từ cả hai phía: Trump đã không ít lần phản đối hiệp định thương mại tự do với đất nước này, chỉ ra rằng đây chính là nguyên nhân dẫn tới 100.000 việc làm không tới được tay người dân Mỹ; ông cũng tỏ ra rất cứng rắn với vấn đề Hàn Quốc sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho toàn bộ chi phí an ninh quân sự trước đây vốn được tài trợ bởi Hoa Kỳ, khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính của đất nước này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn, theo đánh giá của Nomura.
Trong khi đó, Philippines sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ chính sách hạn chế nhập cư khi Mỹ chiếm tới 35% tổng số người Philippines đang làm việc tại nước ngoài trên thế giới. Nomura cũng ước tính 31% tổng số ngoại hối được gửi về Philippines đến từ Mỹ, một nguồn đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia này.
Những năm gần đây, Philippines đã trở thành một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, và lời hứa mang việc về cho người dân Mỹ của tổng thống Trump rất có thể sẽ là mối đe dọa lớn đối với lĩnh vực gia công tại đất nước này. Ngành công nghiệp này đã đang đem lại cho Philippines nguồn doanh thu khổng lồ, tương đương với tổng lượng kiều hối và chiếm tới 9% GDP của đất nước này trong vòng 2 năm tới.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Philippines chịu ảnh hưởng nặng nhất
Các chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank AG nhận định: ”châu Á sẽ được hưởng lợi ít hơn từ sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Các quốc gia xuất khẩu tại châu Á, đặc biệt là khu vực Bắc Á – những nước vốn đã coi xuất khẩu như một yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, sẽ gánh chịu không ít thiệt hạị".