Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, hưởng ứng với phát biểu hôm Chủ nhật của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về kết quả khả quan của cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, phố Wall đã có phiên tăng mạnh.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba Tổng thống Trump cho biết, ông không hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán này và cho biết, không có thỏa thuận nào với Trung Quốc về ZTE. Ông Trump đã lên kế hoạch trừng phạt ZTE và tiếp tới có thể sẽ mạnh mẽ hơn với đại gia viễn thông Trung Quốc này khi ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Ngay sau ý kiến của ông Trump, cùng với sự hạ nhiệt của nhóm cổ phiếu dầu khí và công nghiệp theo giá dầu, phố Wall đã nhanh chóng đảo chiều đóng cửa trong sắc đỏ, mất phân nửa những gì đã có trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 178,88 điểm (-0,72%), xuống 24.834,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,57 điểm (-0,31%), xuống 2.724,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,58 điểm (-0,21%), xuống 7.378,46 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu vẫn duy trì đà tăng nhờ đóng cửa trước và nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ô tô và ngân hàng. Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Ba nhờ thông tin Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu với ô tô trở khách và phụ tùng ô tô từ ngày 1/7/2018. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng tăng nhờ tín hiệu tích cực từ tình hình Italia.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,28 điểm (+0,23%), lên 7.877,45 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 92,20 điểm (+0,71%), lên 13.169,92 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,6 điểm (+0,05%), lên 5.640,10 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu tài chính khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hạ nhiệt, trong khi chứng khoán Trugn Quốc may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 42,03 điểm (-0,18%), xuống 22.960,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,51 điểm (+0,02%), lên 3.214,35 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi khi tiếp tục có phiên lình xình và đóng cửa ít thay đổi so với phiên giao dịch trước đó. Giá vàng đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh ngắn hạn là 1.300 USD/ounce.
Kết thúc phiên 22/5, giá vàng giao ngay giảm 1,6 USD (-0,12%), xuống 1.290,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 1,1 USD/ounce (+0,09%), lên 1.292,0 USD/ounce.
Sau chuỗi tăng mạnh, giá dầu thô Mỹ điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba, trong khi giá dầu thô Brent vẫn duy trì đà tăng khi nhà đầu tư vẫn lo lắng về lệnh trừng phạt của Mỹ với Venezuela ảnh hưởng tới nguồn cung. Cùng với đó, thông tin OPEC có thể quyết định giảm bớt mức cung cấp dầu trong tháng 6.
Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,11 (-0,15%), xuống 72,13 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,35 USD (+0,44%), lên 79,57 USD/thùng.