Ở tù vẫn điều hành công ty tăng trưởng mạnh
Công ty Taekwang của Park Yen-cha là đơn vị sản xuất giày cho thương hiệu Nike từ cuối những năm 1980, tận dụng xu hướng đưa bộ phận sản xuất ra các nước có chi phí rẻ hơn của các nước phát triển. Ngoài mảng sản xuất giày, Taekwang đang mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều mảng khác như sản xuất điện, sản xuất phân bón và cảng biển.
Ông Park, 71 tuổi, hiện nắm giữ khối tài sản 1,3 tỷ USD, chủ yếu dựa trên giá trị thị trường của Taekwang, theo Bloomberg. Ông cùng các con sở hữu tới 98,4% cổ phần của Taekwang. Ngoài ra, ông cũng nắm giữ cổ phần tại Công ty sản xuất ống nhựa Jeongsan Aikang và Công ty Huchem Fine Chemical, công ty con của Taekwang. Vị tỷ phú này xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ông chỉ được học hết bậc tiểu học.
Gần chục năm trước, ông Park là nhân vật trung tâm trong một vụ bê bối tham nhũng trị giá hàng triệu USD liên quan tới nhiều chính trị gia Hàn Quốc, trong đó có cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun. Vị cựu Tổng thống này đã tự sát vào năm 2009, sau khi bị cáo buộc rằng các thành viên trong gia đình ông đã nhận hối lộ hàng triệu USD từ ông Park. Năm 2011, ông Park đã bị tuyên án tù 30 tháng vì trốn thuế và hối lộ.
Trong thời gian ông Park ngồi tù, Taekwang đã thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành công ty, song ông Park vẫn là người quyết định đường đi nước bước của Công ty. Mỗi năm, trong suốt thời gian ông Park bị giam giữ, Teakwang đều báo cáo tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 20%.
Sau khi ra tù năm 2014, ông Park đã quay lại nắm quyền điều hành Taekwang. Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, doanh thu của Taekwang năm ngoái tăng 14,5% lên mức 1,82 nghìn tỷ won (tương đương 1,6 tỷ USD), gần gấp đôi so với năm 2011.
Ông trùm gia công giày Nike
Được thành lập năm 1971, Taekwang là một trong số hàng trăm công ty giày đã biến Busan, thành phố lớn thứ 2 của Hàn Quốc, thành thủ phủ giày lớn bậc nhất thế giới trong giai đoạn 1970 - 1980. Những thương hiệu thể thao toàn cầu như Nike, Adidas và Reebook đã đổ xô tới các nhà máy sản xuất giày của Hàn Quốc bởi nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ và chất lượng cao.
“Ban đầu, Taekwang không phải là cái tên nổi bật trong ngành này. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng thích nghi với môi trường sản xuất vận hành máy tính, chuyển chiến lược lấy lao động làm trung tâm sang lấy công nghệ làm trung tâm”, Michael Ku, cựu Phó chủ tịch Taekwang, người làm việc tại công ty này từ năm 1984 đến năm 1997 cho biết.
"Chẳng hạn, khuôn giày được sản xuất bằng tay không thể đáp ứng được mọi chi tiết của thiết kế, vì vậy, công nghệ máy tính đã giúp tạo ra những đường cong và hình khối 3D", Michael Ku nói.
Mối quan hệ vững chắc của Taekwang với Nike là nhân tố quan trọng đối với sự sinh tồn của Công ty. Thời điểm cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, khi các thương hiệu nước ngoài chuyển sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn, nhiều công ty giày của Hàn Quốc phải đóng cửa vì mất việc làm. Trước bối cảnh đó, ông Park đã quyết định chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, nơi có nguồn nhân công giá rẻ dồi dào. Chi nhánh Taekwang Vina tại Việt Nam được thành lập vào năm 1995 và trở thành một trong 5 nhà thầu của Nike tại Việt Nam.
Đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam
Hiện tại, 2 nhà máy của Taekwang tại Việt Nam sản xuất gần 71% sản lượng của Công ty. Teakwang đang xây dựng một nhà máy ở Cần Thơ, nhằm nâng sản lượng thêm khoảng 15%.
Tuy nhiên, trước dự báo tốc độ tăng trưởng của Nike sẽ chậm lại, Taekwang đang triển khai nhiều mảng kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường Việt Nam.
Năm ngoái, Taekwang đã xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón NPK trị giá 60 triệu USD tại TP.HCM. Tháng 7 năm nay, Công ty đã nhận giấy phép xây dựng nhà máy điện trị giá 2,3 tỷ USD ở miền Bắc. Nhà máy này dự kiến được hoàn thành vào năm 2022 và cung cấp điện cho Việt Nam trong khoảng 25 năm. Ngoài ra, Công ty cũng đang đàm phán mua cổ phần chi phối tại Gemadept, đơn vị khai thác cảng tư nhân lớn nhất Việt Nam.