Ông Phan Đức Hiếu: Để ứng biến, doanh nghiệp cần tâm thế chủ động, có kịch bản sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Để ứng biến, doanh nghiệp cần bám sát, có kịch bản sớm từ khi các đạo luật còn là dự thảo đến khi thông qua”, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức diễn ra ngày 6/6.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024. Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024.

Theo ông Phan Đức Hiếu, trong vạn biến hiện nay có hai yếu tố mới. Thứ nhất, thị trường đã có diến biến khác hơn, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong thị trường trong nước và thị trường nước ngoài trở nên gay gắt hơn. Trước đây doanh nghiệp có sẵn thị trường tiêu dùng, khi thị trường phục hồi sẽ sớm giành lại thị phần. Nhưng hiện nay cạnh tranh cao, có rất nhiều đối thủ tham gia tái chiếm thị trường, doanh nghiệp áp lực hơn.

Thứ hai là sự phát triển của khoa học công nghệ, hành vi người tiêu dùng thay đổi, khó đoán. Một ví dụ mới đây, xe điện được xem là xu hướng chủ lực chi phối trong tương lai nhưng mới đây 3 doanh nghiệp Nhật Bản hợp lực phát triển động cơ đốt trong không phát thải là yếu tố đáng chú ý. Thị trường xe thân thiện môi trường sẽ có yếu tố cạnh tranh cao hơn.

Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các kịch bản ứng biến hợp lý. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách tiếp cận trong vạn biến với tâm thế chủ động và chấp nhận cuộc chơi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai.

Ông Hiếu phân tích, hiện tại cung cấp thông tin, điều hành kinh tế xã hội, thông điệp và cách thức điều hành hoàn toàn khác và trái ngược với 2023. Năm 2023 ưu tiên kiểm soát kinh tế vĩ mô, kết hợp chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ hợp lý. Còn năm 2024 cách điều hành ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp cố vấn tài chính lần thứ hai năm 2024.

Các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp cố vấn tài chính lần thứ hai năm 2024.

Trả lời câu hỏi của ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư về việc khi biết đích ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng, thị trưởng kỳ vọng tới đây có những biện pháp, chính sách gì để thúc đẩy tăng trưởng, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các hành động đang bám sát giải pháp đề ra, điều hành chính sách của Chính phủ đang quyết liệt.

Về thể chế, Chính phủ hiện đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước giảm câu chuyện một cửa nhiều ngách. Trong năm qua, nhiều luật được ban hành. Trong đó, 4 luật quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang được trình để đẩy sớm lên trước 5 tháng.

“Doanh nghiệp ứng biến với thể chế như thế nào? Doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ và có chiến lược phù hợp với 4 luật quan trọng này. Các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh có liên quan”, ông Hiếu cho hay.

Ông Hiếu cho biết thêm, khối lượng công việc xây dựng thể chế Quốc hội rất lớn. Tại kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều đạo luật mới như Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô, Luật Giao thông đường bộ… có tác động lớn về hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh.

“Để ứng biến, lời khuyên của tôi vẫn là các doanh nghiệp cần bám sát để có phản biện và bám sát để ứng biến, có kịch bản sớm từ khi có dự thảo đạo Luật đến khi sắp thông qua”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục