Sau hai ngày nghị án, chiều 21/4, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cùng đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đã bắt đầu từ ngày 17/4.
Kết quả, Tòa tuyên án ông Nguyễn Quang Tuấn nhận án phạt 3 năm tù, thấp hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát tối cao trong phiên xử ngày 17/4 là 4-5 năm tù.
Đây là mức án phạt sau khi đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ được cơ quan công tố và các luật sư trình bày trước đó.
Các cán bộ nguyên là cấp dưới của ông Tuấn ở Bệnh viện Tim Hà Nội nhận án phạt như sau: Bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc) 2 năm 6 tháng; bà Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng) 2 năm; hai Phó Trưởng phòng Vật tư y tế là ông Đoàn Trọng Bình và ông Nghiêm Tuấn Linh cùng nhận án phạt 2 năm 6 tháng.
Tại Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hoàng Nga: ông Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT): 3 năm 6 tháng; ông Phạm Huy Lập (Giám đốc): 2 năm 6 tháng nhưng cho hưởng án treo; bà Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán trưởng): 2 năm.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC: ông Trần Phú Hưng: 2 năm 6 tháng và Nguyễn Hồng Dũng (đều là Phó tổng giám đốc); 2 năm; ông Nguyễn Trung Dũng (nhân viên thẩm định giá): 23 tháng 8 ngày.
Tại Công ty Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát: Ông Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT): 2 năm, cho hưởng án treo
Các bị cáo nghe Tòa phán quyết chiều 21/4 (Ảnh: BT) |
Hội đồng xét xử nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo xâm phạm trật tự quản lý kinh tế Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm vật tư gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của Bệnh viện, gây dư luận xấu. Do vậy, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Tuấn là người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành về tim mạch, được đánh giá cao về chuyên môn và trình độ y học. Bản thân ông Tuấn là giáo sư, tiến sĩ thường xuyên giảng dạy, viết sách; từng là Đại biểu Quốc hội; từng cứu sống nhiều người nên được nhân dân yêu quý.
Hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn xảy ra trong khi ngành y tế khó khăn, khó mua vật tư vì thiếu sót pháp luật. Bị cáo do vậy nóng vội nên phạm tội nhưng đã nhận trách nhiệm, thành khẩn khai báo và đã tự nguyện nộp hơn 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả dù không phải bị đơn dân sự.
Kết luận phiên xét xử, Hội đồng xét xử nhận định, sai phạm của bị cáo về đấu thầu, không liên quan ngành y nên có thể áp dụng hình phạt thấp để sớm trở về đóng góp cho đất nước và xã hội.
Tòa không cấm bị cáo Tuấn đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề sau khi chấp hành xong bản án.
Trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn) nhận định, đây là bản án nhân văn đối với các bị cáo, thể hiện sự công tâm, khách quan của Hội đồng xét xử.
"Hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý, công tội phân minh, trong đó có xem xét những công lao, đóng góp của ông Tuấn đối với nền y học Việt Nam, xem xét thái độ hợp tác, thành khẩn và tinh thần khắc phục hậu quả của ông Tuấn", Luật sư Ứng nói.