Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã chứng khoán: MSN) diễn ra sáng nay, HĐQT Công ty đã trình Đại hội nhiều nội dung quan trọng, như kết quả kinh doanh 2018, kế hoạch 2019 với doanh thu thuần năm 2019 đạt từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 - 31%. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ từ 5.000 - 5.500 đồng, tăng 44 - 58%.
Trong phần thảo luận, cổ đông hỏi về lý do doanh tu thuần quý I/2019 giảm 1,4% có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cả năm 2019 hay không, đại diện Masan Group cho biết, sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên sức tiêu thụ thịt heo có khó khăn, nhưng hy vọng quý III và IV/2019, sức mua trở lại tăng trưởng sẽ cao hơn và mong cổ đông kiên trì, tin tưởng công ty.
Về sự cố nước tương Chinsu ở thị trường Nhật Bản, đại diện Masan cho biết, bất cứ thị trường nào cũng có sự cố không lường trước. Công ty cũng đã có thông tin chính thức về sự việc này và cam kết những sản phẩm Masan làm ra đều đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi về việc Tập đoàn có mua thêm cổ phần của Cholimex và Visan hay không, đại diện Masan cho biết, về Cholimex, hiện Masan đang sở hữu hơn 30% cổ phần và đây là 1 công ty rất tốt, khoản đầu tư này rất hiệu quả.
"Đây là công ty có bề dày và hiểu biết sâu sắc nhu cầu người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục song hành với những doanh nghiệp như vậy", đại diện Masan nói.
Còn về Visan, đại diện Masan cho rằng, công ty đang hài lòng với tỷ lệ sở hữu hiện tại. Nếu có cơ hội sẽ cân nhắc nhưng không phải hôm nay.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược cao cấp hóa dòng hàng tiêu dùng có hiệu quả trong những năm tiếp theo sau khi đã có hiệu quả 2018 - 2019 hay không, đại diện Masan cho biết, quá trình cao cấp hóa các sản phẩm cao cấp không bao giờ dừng mà nhu cầu ngày càng tăng cao hơn.
Nếu GDP tăng trưởng thì nhu cầu tiêu dùng cũng tăng trưởng gấp 3 lần. Việt Nam đang hình thành tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Các nhu cầu này mới đang bắt đầu ở Việt Nam, nên chưa thể bão hòa. Kết quả đạt được trong 2028 và dự báo 2019 mới là dự báo cho 1 quá trình bắt đầu bùng nổ của nhu cầu dòng hàng cao cấp.
Liên quan đến câu chuyện nước mắm được truyền thông nhắc nhiều trong thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group nói rằng: "Thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn chưa chủ động và ít chia sẻ thông tin với báo chí truyền thông mà luôn nghĩ mọi người sẽ hiểu. Tuy nhiên, qua những sự kiện đó thì cần phải làm tốt hơn công tác về truyền thông cởi mở hơn chia sẻ thông tin với truyền thông".
Nói về mức ảnh hưởng của sự cố như vậy đến kinh doanh, ông Quang cho rằng, câu trả lời cuối cùng là khách hàng, vì khách hàng quyết định có tin và dùng sản phẩm hay không. Quan trọng là sau những câu chuyện này, Công ty phải nhìn ra nhận ra và học được cách để làm tốt hơn ngày hôm qua.
Sau phần thảo luận, Ban thư ký công bố kết quả bỏ phiếu với tất cả các tờ trình của HĐQT đã được thông qua, trong đó có kết quả kinh doanh 2018, kế hoạch 2019.
Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc bầu ông Nguyễn Đoan Hùng và ông David Tan Wei Ming làm thành viên HĐQT độc lập.
Trong đó, ông Nguyễn Đoan Hùng nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã về hưu từ năm 2013 và hiện đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Phú Hưng.
Còn ông David Tan Wei Ming có quốc tịch Singapore, cưu chuyên viên phân tích của UBS Investment Bank, hiện là Giám đốc Công ty quản lý quỹ Kohlberg Kravis Roberts & Co.Inc.
Như vậy, thành viên HĐQT Masan Group nhiệm kỳ 2019 - 2024 bao gồm 6 thành viên: Ông Nguyễn Đăng Quang; bà Nguyễn Hoàng Yến, ông Nguyễn Thiều Nam, ông Woncheol Park; ông Nguyễn Đoan Hùng và ông David Tan Wei Ming.
Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.