Năm 2019 đi qua, xin ông chia sẻ kết quả hoạt động của Eximbank ra sao?
Kết thúc năm 2019, Eximbank đạt tổng lợi nhuận trước trích bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC trên 1.600 tỷ đồng.
Sau khi trích bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt khoảng 1.077 tỷ đồng, hoàn thành kế hoach Hội đồng quản trị (HÐQT) giao.
Trong năm qua, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, Eximbank đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ðến thời điểm này, Eximbank còn nắm giữ bao nhiêu trái phiếu VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ra sao đến tính hết năm 2019, thưa ông?
Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank được kiểm soát ở mức thấp 1,62% so với tỷ lệ đầu năm nay là 1,84%.
Trong năm qua, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và đang tiến tới để tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây (trái phiếu VAMC).
Lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 Eximbank sẽ trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ cần khoảng 1.100 tỷ đồng nữa là Ngân hàng có thể hoàn tất được kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Dự kiến vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Bên cạnh xử lý nợ xấu, sau vụ việc của bà Chu Thị Bình, Eximbank đã triển khai các giải pháp nào để kiểm soát rủi ro trong hoạt động và trong nội bộ Ngân hàng?
Trong năm qua, Eximbank đã xây dựng mô hình quản lý tập trung. Theo đó, Ngân hàng đã đưa hệ thống Core Banking vào hoạt động từ tháng 9 năm 2018.
Trước tình hình công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bằng công nghệ cao của khách hàng ngày càng tăng, đòi hỏi Eximbank phải lựa chọn cho mình giải pháp công nghệ thích hợp.
Vì vậy, Eximbank đã quyết định lựa chọn giải pháp phần mềm Core Banking là Finacle của hãng Infosys, thuộc bộ giải pháp Core Banking đa năng, cung cấp các nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, bán lẻ, quản lý nguồn vốn và tài trợ thương mại, có hỗ trợ xử lý giao dịch trực tuyến và cho phép ngân hàng nâng cao các hoạt động tập trung, kiểm soát được các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động.
Ðồng thời, Eximbank cũng liên tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong giao dịch tiền gửi chẳng hạn như: thực hiện kiểm tra, rà soát lại công tác huy động vốn trong toàn hệ thống, kiểm tra toàn bộ các khoản rút tiền gửi tiết kiệm có giá trị lớn; gửi tin nhắn SMS ngay cho khách hàng khi phát sinh biến động tăng, giảm số dư; bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay khi lập văn bản ủy quyền đối với khách hàng cá nhân; luân chuyển kiểm soát viên giữa các chi nhánh, phòng giao dịch.
Ngồi vị trí điều hành quyền Tổng giám đốc Eximbank trong bối cảnh Ngân hàng chưa ổn định bộ máy cấp “thượng tầng”, có khó khăn và áp lực, thưa ông?
Theo tôi, ở vị trí điều hành cấp cao của một doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động của ngành ngân hàng thì không thể không có những áp lực.
Song, điều tôi cảm nhận được ở Eximbank là toàn thể cán bộ nhân viên Eximbank có sự đồng lòng và rất nỗ lực để thay đổi, nhằm tái cấu trúc Ngân hàng theo chiều hướng ngày một cải thiện.
Vị trí của Eximbank được khẳng định rõ nét thông qua sự tín nhiệm của khách hàng và các đối tác.
Qua gần 30 năm hoạt động, Eximbank được đánh giá là một trong những định chế tài chính có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ khách hàng.
Cùng với chiến lược phát triển bền vững lấy sự đổi mới làm cốt lõi, Eximbank đang tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để tạo ra nhiều lợi ích hơn nữa cho Eximbank và khách hàng, hiện thực hóa những kỳ vọng cho tương lai.
Có thể thấy, với nền tảng của Eximbank vốn có và thương hiệu 30 năm tuổi trên thị trường tài chính sẽ là nền tảng để Eximbank từng bước lấy lại vị thế của mình.
Sự hài hòa cần nhất ở Eximbank là “ tiếng nói chung” của các nhóm cổ đông lớn. Nhưng đến nay, Ngân hàng vẫn chưa hoàn tất được đại hội cổ đông 2019?
Quả thực để có được “tiếng nói chung” giữa các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng là điều rất cần, song giải quyết vấn đề này theo tôi hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của HÐQT, Ban điều hành.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng, HÐQT Eximbank đã có nhiều nỗ lực cho sự ổn định trong bối cảnh các yếu tố chưa xử lý hài hòa được.
Eximbank đã được Standard & Poor’s Global Ratings - Tổ chức tín nhiệm hàng đầu thế giới, nâng triển vọng tín nhiệm lên “ổn định” vào tháng 8/2018.
Triển vọng ổn định phản ánh kỳ vọng của S&P rằng, Eximbank sẽ tiếp tục tái cấu trúc thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tín dụng có chọn lọc và các chuẩn mực bảo lãnh nghiêm ngặt.
Trên thực tế, sức bật tài chính của Eximbank đã được cải thiện trên cơ sở phục hồi khả năng sinh lời vững chắc trong năm 2016 -2019, cùng với các lợi ích được kỳ vọng từ việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.
Mới đây nhất, Moody's hạ bậc triển vọng tín nhiệm 18 ngân hàng Việt, nhưng không có Eimbank.
Còn về việc tổ chức ÐHCÐ, hồi cuối tháng 4/2019, Eximbank tiến hành ÐHCÐ thường niên 2019, nhưng do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành nên đã phải tạm hoãn.
Sang ngày 21/6/2019, Eximbank tổ chức ÐHCÐ bất thường 2019 lần thứ 2 nhưng vẫn bất thành. Tuy nhiên, HÐQT Eximbank đã có thông báo tới cổ đông chốt danh sách để tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông bất thường 2019 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 05/3/2020.
Ðồng thời, HÐQT Eximbank đã có thông báo tới cổ đông chốt danh sách để tổ chức họp ÐHÐCÐ thường niên năm 2020 vào ngày 22/4/2020.
Tuy chưa ÐHCÐ năm 2019, song các kế hoạch vẫn được triển khai và đến nay đã hoàn tất dưới sự nỗ lực của HÐQT, Ban điều hành và toàn thể CBNV Eximbank.
Quy định đầu năm 2020, các ngân hàng sẽ phải áp chuẩn Basel II. Eximbank đã triền khai và thực hiện các quy chuẩn quốc tế này tới đâu, thưa ông?
Eximbank đã mời Công ty kiểm toán Ernst and Young tư vấn triển khai Thông tư 41/2016/TT-NHNN và đã trình NHNN để áp dụng Basel; ngân hàng sẽ áp dụng bắt đầu từ đầu năm tới.
Bên cạnh đó, Công ty kiểm toán KPMG đã thực hiện tư vấn cho Eximbank toàn bộ các cấu phần của thông tư 13/2018/TT-NHNN (một trong những nội dung chính sách từ cơ quan quản lý mà các ngân hàng triển khai thực hiện Basel II) nhằm bảo đảm Eximbank đáp ứng được các tiêu chuẩn ở mức cao nhất theo thông lệ quốc tế về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.
Việc thực hiện Thông tư 13 không chỉ là vấn đề tuân thủ mà quan trọng hơn là sự đảm bảo an toàn, tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng trong thị trường cạnh tranh hiện nay.
Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hết sức quan trọng, không phải chỉ để quản trị rủi ro mà còn phục vụ cho định hướng phát triển của Eximbank trong tương lai.
Nhận định của ông về cơ hội và thách thức của hoạt động ngân hàng năm 2020?
Theo tôi, hoạt động của ngành ngân hàng đã có những thay đổi tích cực trong năm qua và sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi kinh tế đang dần tăng trưởng, mặt bằng lãi suất và tỷ giá được kiểm soát linh hoạt, ổn định.
Với Eximbank tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, thực hiện chiến lược đẩy mạnh bán lẻ trong 2020, nhằm gia tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ.
Tuy nhiên, điều mà toàn thể cán bộ nhân viên, Ban điều hành cũng như nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng mong muốn ở Eximbank không gì khác hơn là ổn định cơ cấu của các cổ đông; cùng với hệ thống quản trị đang vận hành tốt sẽ là điều kiện để Ngân hàng Eximbank lấy lại vị thế vốn có của mình trên thị trường.