Ông lớn nhà nước bao giờ thoát cảnh “uống nước đục”?

(ĐTCK) Năm 2015 thị trường chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản tư nhân, trong khi nhiều thương hiệu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại có “màn biểu diễn” quá mờ nhạt. Liệu 2016, các ông lớn một thời có thể lội ngược dòng?
Hiệu quả kinh doanh chưa phải là chỉ tiêu được quan tâm hàng đầu của DNNN

Phú Quốc từ đầu năm 2015 đã trở thành đại công trường với hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn... được thi công ngày đêm và tên tuổi các chủ đầu tư liên tục được nhắc đến đều là các tập đoàn tư nhân như Vingroup, BIM Group, CEO Group, Sun Group...

Trong khi đó, ngay cạnh dự án Khu nghỉ dưỡng Novotel Resort của CEO Group là khu đất có vị trí đắc địa của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) hiện vẫn để không, cỏ mọc um tùm. Lãnh đạo một DN tư nhân cho biết, có dự án ở vị trí kinh doanh tốt, họ phải nhanh chóng khai thác, đưa sản phẩm ra thị trường, thi công 3 ca hàng ngày để có tiến độ nhanh nhất, bởi để tiền chết ngày nào là hiệu quả kinh doanh kém ngày đó. Đây có lẽ chưa phải là quan điểm kinh doanh của một số DNNN có đất vàng.

Dường như hiệu quả kinh doanh của DNNN không phải là chỉ tiêu được quan tâm hàng đầu. Bằng chứng là trong bản tổng kết năm 2015, HUD báo cáo “hầu hết các chỉ tiêu của toàn Tổng công ty đều đạt và vượt kế hoạch đề ra”. Song chỉ nêu giá trị sản xuất kinh doanh đạt 107% kế hoạch; giá trị đầu tư đạt 128% kế hoạch; doanh thu đạt  100%; trong khi chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận không được đề cập.

Nắm trong tay quỹ đất rất lớn, ở các vị trí đẹp tại nhiều thành phố lớn, nhưng kế hoạch năm 2016 của HUD rất chung chung: “Tổng công ty sẽ rà soát, đánh giá lại các dự án trong danh mục của Tổng công ty nghiên cứu trước đây để tiếp tục triển khai các dự án mang tính khả thi. Công ty mẹ, các đơn vị thành viên đồng thời tập trung tìm kiếm, phát triển các dự án mới mang tính khả thi, phù hợp với quy mô, nguồn lực trên các địa bàn truyền thống, địa bàn trọng điểm có thị trường, có nhu cầu cao về nhà ở và bất động sản”.

HUD cũng chỉ nêu chỉ tiêu kế hoạch gồm giá trị sản xuất kinh doanh đạt 8.810 tỷ đồng; giá trị đầu tư 3.485 tỷ đồng; doanh thu 7.600 tỷ đồng; không nhắc đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Câu chuyện của HUD là ví dụ cho thấy sự ì ạch và thiếu quyết liệt trong triển khai đầu tư kinh doanh của nhiều DNNN. Có nhiều lý do được các DN đưa ra để “làm nhẹ” cho hiệu quả kinh doanh chưa cao của mình. Trong đó, họ đề cập đến nhiều vòng “kim cô” trong quản lý tài chính và cơ chế xin ý kiến tập thể bởi nỗi lo về trách nhiệm cá nhân khi quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Song nói như ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco, nguyên nhân chính là vốn nhà nước ở tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ông Dũng cho rằng, nếu không cổ phần hóa các DNNN thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, sớm hay muộn các DN này cũng sẽ tụt lùi và Nhà nước có nguy cơ mất vốn.

Là một tên tuổi khá lớn trong lĩnh vực bất động sản, Tổng công ty Vinaconex trong vài năm vừa qua dù hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp cổ phần song Nhà nước vẫn chi phối phần vốn tại DN, cũng không có bước tiến đáng kể, thậm chí là tụt hậu và phải loay hoay xử lý hậu quả đầu tư đa ngành nghề một thời. Năm 2016, với sự xuất hiện của “tướng mới” (tổng giám đốc – PV) và thị trường BĐS tiếp tục hồi phục, cổ đông của Tổng công ty kỳ vọng, Vinaconex sẽ có nhiều thay đổi.

Trong định hướng hoạt động của DN, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Vinaconex sẽ tập trung nguồn vốn và nhân lực để triển khai nhanh và mạnh các dự án do Công ty Mẹ làm chủ đầu tư như: dự án cải tạo khu chung cư cũ 97- 99 Láng Hạ, dự án hạ tầng Khu Công nghệ cao 2 Hoà Lạc, dự án chung cư 2B Vinata Towers, dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ,… và dự án của các đơn vị thành viên như: chung cư CT4 (Vimeco), dự án nước Sông đà giai đoạn 2 (Viwasupco), dự án 136 Hồ Tùng Mậu (VC7), dự án Kim Văn Kim Lũ (VC 2), Vinata Towers...

Nếu như trước đây, DN thiên về hướng bán dự án thì nay chiến lược mới là ưu tiên công tác tìm kiếm và phát triển các dự án mới theo hướng hợp tác đầu tư hoặc mua lại doanh nghiệp dự án. Tập trung vào các dự án BT, BOT, BOO, dự án đầu tư hạ tầng cấp thoát nước và xử lý nước thải, dự án thủy điện vừa và nhỏ; và các dự án BĐS có vị trí tiềm năng. Động thái mới nhất là Tổng công ty đã mua lại 100% vốn của CTCP Bất động sản An Thịnh, đơn vị có quyền phát triển cải tạo mới dự án chung cư cũ 93 Láng Hạ.

Những bước đi mới này là tín hiệu tích cực để kỳ vọng Tổng công ty sẽ “thể hiện” tốt hơn trong năm 2016. Dù vậy, việc các ông lớn nhà nước có thể lội ngược dòng, thoát cảnh “trâu chậm uống nước đục” trong thời gian tới hay không, vẫn cần nhiều hành động hơn nữa để trả lời.       

Thủy Nguyễn – Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục