Ông lớn có cần thiết “ôm” ngân hàng yếu?

(ĐTCK) Trước thông tin một số nhà băng lớn đang lên kế hoạch sáp nhập (M&A) thêm nhà băng nhỏ, yếu kém, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cơ hội để tăng trưởng quy mô hoạt động, chiếm lĩnh thị phần, song không phải mọi thương vụ M&A đều mang lại hiệu quả như mong đợi. Việc “ôm” thêm ngân hàng nhỏ, nếu không tính toán kỹ lưỡng, nhà băng lớn sẽ khó tránh được việc bị kéo lùi.
VCB dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập một TCTD VCB dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập một TCTD

Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 23/4 tới, VCB dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông về việc nhận sáp nhập một ngân hàng. Hiện danh tính của ngân hàng này vẫn chưa được VCB tiết lộ.

PG Bank cũng có đề xuất được sáp nhập vào Vietinbank, với phương án hoán đổi cổ phiếu để Vietinbank sở hữu 99% cổ phần PGBank và PGBank vẫn giữ nguyên mô hình một ngân hàng.

Maritime Bank cũng dự kiến trình ĐHCĐ hôm 19/4 tới chủ trương nhận sáp nhập MeKong Bank, ngân hàng mà Maritime Bank đang nắm giữ hơn 10% cổ phần. Đáng chú ý, Maritime Bank sẽ nhận chuyển nhượng lại 20% cổ phần của MeKong Bank từ một cổ đông chiến lược của ngân hàng này.

Trước đó, ĐHCĐ Sacombank cũng đã thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT xây dựng đề án nhận sáp nhập Southern Bank. Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cho biết, chủ trương nhận sáp nhập Southern Bank xuất phát từ mong muốn tạo thêm lợi thế cạnh tranh, nâng cao hơn nữa quy mô hoạt động, khai thác tối đa tiềm năng thị trường và kiên định với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong khu vực… Hiện đề án sáp nhập đang được HĐQT Sacombank triển khai xây dựng và có khả năng hoàn tất trong thời gian tới.

Trước thông tin PGBank đề xuất sáp nhập vào VietinBank, một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng khẳng định, đến thời điểm này, NHNN chưa có ý kiến về thương vụ này và ông tin rằng, sẽ rất khó có thể xảy ra M&A giữa hai ngân hàng và để PGBank trở thành ngân hàng con của VietinBank thì càng khó có thể. 

Theo vị lãnh đạo cấp cao trên, với vị thế và quy mô hiện nay, VietinBank không cần thiết phải sáp nhập thêm một ngân hàng nhỏ, yếu kém như PG Bank. Cụ thể, đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của PG Bank đã giảm mạnh từ mức 9,81% ở thời điểm cuối tháng 9/2013 xuống còn dưới mức 3%. Trong năm 2013, PG Bank cũng đã bán 752 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty VAMC. Tuy nợ xấu đã được giảm mạnh, song tín dụng của PGBank hầu như không tăng trưởng (chỉ đạt 0,6%). Năm 2014, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN phê duyệt cho PG Bank là 6%. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đặt ra cho năm nay là trên 250 tỷ đồng, tăng 383% so với năm 2013.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex phải giảm tỷ lệ sở hữu tại PG Bank từ mức 40% hiện nay xuống còn 20% và thoái hết vốn sau đó. Tuy nhiên, nếu sáp nhập vào Vietinbank, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex sẽ giảm rất mạnh. Đó cũng chính là mong muốn của HĐQT PG Bank trong quá trình tái cấu trúc.

Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, với chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, giảm mạnh số lượng ngân hàng nhỏ thông qua M&A, các nhà băng lớn có cơ hội tìm kiếm ngân hàng nhỏ để sáp nhập, tận dụng mạng lưới mở rộng quy mô. Tuy nhiên, theo TS Kiêm, nếu việc sáp nhập thêm một tổ chức tín dụng quá yếu kém chỉ có thể tận dụng mạng lưới hoạt động thì các ngân hàng lớn chưa hẳn đã thành công.

Điều này cũng được giới đầu tư tài chính đánh giá qua thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Các đánh giá cho rằng, Sacombank không cần thiết phải “ôm” thêm Southern Bank. Bởi Southern Bank là một ngân hàng nhỏ, yếu kém, tỷ lệ nợ xấu tăng trên 4% và chủ yếu nợ có khả năng mất vốn. Sau sáp nhập, Sacombank chỉ có thể tận dụng được mạng lưới 141 điểm giao dịch của Southern Bank.

Cho rằng việc ngân hàng lớn sáp nhập thêm một nhà băng nhỏ, dù có yếu kém, nhưng việc tận dụng đuợc mạng lưới, mở rộng quy mô cũng là điều cần thiết để xem xét, song TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, để có thể “gánh” được một ngân hàng nhỏ, yếu kém này, đòi hỏi đơn vị sáp nhập phải vững mạnh mới giải quyết được những khó khăn tồn đọng của đơn vị bị sáp nhập. Và theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngân hàng sau sáp nhập cũng phải mất một khoảng thời gian từ 3-5 năm mới có thể hồi phục và tăng trưởng trở lại.     

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục