“Ông lớn” cảng hàng không đặt mục tiêu lãi 2.359 tỷ đồng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 từ tháng 8/2021.
Phối cảnh Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những dự án trọng điểm của ACV dự kiến khởi công trong năm 2021. Phối cảnh Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, một trong những dự án trọng điểm của ACV dự kiến khởi công trong năm 2021.

Sáng 27/7, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV (mã chứng khoán ACV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động trực diện, nặng nề nhất của dịch Covid-19 nên không có gì khó hiểu khi sản lượng vận chuyển hành khách thông qua các cảng hàng không do ACV quản lý trong năm 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, sản lượng vận chuyển thông qua toàn mạng năm 2020 của ACV đạt 65 triệu lượt khách, đạt 94% so với kế hoạch và giảm 44% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 7,4 triệu lượt khách, đạt 54% kế hoạch năm và giảm 82%/ năm 2019; khách trong nước đạt 57,8 triệu lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm và giảm 22%/ năm 2019.

Trong điều kiện sản lượng sụt giảm rất sâu, ACV đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực trong hoạt động kinh doanh cụ thể như rà soát cắt giảm chi phí chưa cấp thiết, kiểm soát chặt chẽ thu – chi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp và khai thác nhằm hướng đến mục tiêu tự động hoá, giảm tắc nghẽn hàng không đồng thời nâng cao hiệu quả sản suất kinh doanh.

Kết thúc năm tài chính 2020, ACV tổng doanh thu 10.215 tỷ đồng, bằng 90,26% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 2.071 tỷ đồng, bằng 103,19% kế hoạch; ROA đạt 3,01%, ROE đạt 4,69% lần lượt bằng 110,26% và 110,29% kế hoạch.

Trong năm 2020, các dự án trọng điểm của ACV đã có những bước tiến quan trọng với giá trị giải ngân thực hiện đạt 2.551 tỷ đồng, trong đó Dự án “Nhà ga hành khách T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 15/05/2020 với thời gian thực hiện 37 tháng. ACV hiện đang tập trung triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công trong Quý IV/2021.

Đối với Dự án thành phần 3, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành với 99.000 tỷ đồng đã được ACV khởi công hạng mục đầu tiên vào tháng 4/2021.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, một trong những điểm sáng đáng chú ý nhất trong năm 2020 đối với đơn vị này là rất nhiều vướng mắc thể chế quan trọng, kéo dài từ khi CPH vào năm 2014 đã được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết trong năm 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2007/QĐ – TTg giao ACV quản lý khai thác khu bay, giai đoạn đầu không hình thành vốn Nhà nước và sau năm 2025 sẽ định giá để đưa vào phần vốn ACV.

Đặc biệt là Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 5/1/2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay trong đó có việc đảm bảo quyền và trách nhiệm doanh nghiệp cảng trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không.

“ACV đã có quyền đầu tư mở rộng, nâng cấp tại các cảng hàng không do đơn vị này quản lý. Nếu ACV không đủ khả năng làm thì cơ quan quản lý mới kêu gọi nhà đầu tư khác”, ông Phiệt thông tin.

Trên cơ sở dự báo tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát trong tháng 8/2021 và các đường bay quốc tế phục hồi dần từ cuối quý III/2021, ACV dự kiến sản lượng năm 2021 để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo đó, tổng sản lượng hành khách của ACV khoảng 75 - 79 triệu khách, tăng 19%/2020; tổng hàng hoá – bưu kiện đạt 1.450.000 tấn, tăng 11%/2020; sản lượng hạ cất cánh đạt 557.000 lượt, tăng 22%/2020.

Với các thông số đầu vào nói trên, ACV kỳ vọng đạt tổng doanh thu trong năm 2021 là 10.564 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.359 tỷ đồng; ROA đạt 3,27%, ROE đạt 4,84%.

Đây cũng là các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2021 trình Đại hội cổ thông thông qua. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Đại hội đã ủy quyền cho HĐQT quyết định việc điều chỉnh kế hoạch năm 2021 phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình thực hiện kế hoạch.

Đây là quyết định phù hợp bởi thị trường hàng không trong nước và quốc tế đang diễn biến phức tạp với làn sóng dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát từ đầu năm 2020.

Theo đánh giá của các tổ chức hàng không thế giới như ACI, ICAO, IATA thị trường vận tải hàng không thế giới có thể sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối Quý II – đầu Quý III/2021, dự kiến cả năm 2021 sẽ phục hồi khoảng 27-35%/so với năm 2019.

Đối với thị trường nội địa, sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 lần thứ 3 tại Việt Nam ngay thềm những tuần trước Tết đã nhanh chóng lây lan cộng đồng ra các tỉnh, địa phương khác và đỉnh điểm là vào những ngày 24-25/tháng 12 Âm lịch, sản lượng vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và dự kiến, chỉ đạt khoảng hơn 60% so với cùng kỳ, tương đương 2,3 triệu khách.

Về hoạt động đầu tư, ACV xây dựng kế hoạch giải ngân trong năm 2021 là 4.996 tỷ đồng, tập trung vào xây dựng nhà ga hành khách T3 tại CHKQT Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà gia T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; nhà ga T2 – CHKQT Phú Bài;, nhà ga hàng hóa CHKQT Đà Nẵng;CHKQT Long Thành (giai đoạn 1); đầu tư xây dựng cảng hàng không Điện Biên.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, ACV sẽ thường xuyên theo dõi, đánh giá phân tích tình hình thị trường kịp thời có các giải pháp thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận và đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện tiết kiệm tối đa các chi phí hoạt động thường xuyên, công tác quản lý đầu tư, kiểm soát chặt chẽ các nguồn chi.

“Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với Hãng hàng không để mở lại đường bay sau khi hết dịch, xúc tiến hợp tác mở lại/khai thác mới các đường bay thương mại, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thị trường quốc tế sau khi hết dịch”, ông Phiệt nhấn mạnh.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, các cổ đông của ACV đã thống nhất phương án trích lập quỹ năm 2020 và phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hiện ACV đang chờ ý kiến của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phân phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức (khoảng 8.541 tỷ đồng), do đó, ACV sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua nội dung này ngay sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục