Ông Lê Phước Vũ tuyên bố Hoa Sen không còn là nhà sản xuất và sẽ rời Hoa Sen từ 2026 để xuất gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HDQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tuyên bố tại ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra tại TP.HCM sáng nay rằng: “Hoa Sen không còn là nhà sản xuất. Hoa Sen chỉ sản xuất những gì đang sản xuất, còn lại sẽ phân phôi sản phẩm có chất lượng tốt giá cạnh tranh”.
Ông Lê Phước Vũ tuyên bố Hoa Sen không còn là nhà sản xuất và sẽ rời Hoa Sen từ 2026 để xuất gia

“Có nhiều nhà sản xuất đang ở đây lo ngại Hoa Sen lớn quá, nhưng tôi nói rõ là Hoa Sen là đối tác chứ không phải đối thủ của các bạn. Nếu các bạn cần Hoa Sen sẽ cùng góp vốn đầu tư 10% và đưa sản phẩm vào hệ thống của Hoa Sen để phân phối.

Theo chiến lược phát triển 2021 - 2026, HSG sẽ tối ưu hóa hệ thống sản xuất cung cứng, phát triển hoạt đông kinh doanh theo mô hình mới gồm đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh trong mảng vật liệu xây dựng và nội thất, thiết lập chuỗi siêu thị vật liêu xây dựng, nội thấy Hoa Sen Home trên toàn quốc và nghiên cứu ứng dụng công nghệ, nền tảng hiện đại vào hoạt động phân phối, thương mại điện tử, bán hàng qua ứng dụng điện thoại.

Trả lời chất vấn của cổ đông về biến động giá nguyên vật liệu, ông Vũ cho biết, từ tháng 3/2020, giá nguyên liệu từ hơn 500 USD xuống 390 USD vào tháng 5/2020, mà HSG vẫn lời, sau đó giá tăng lên gần 700 USD thì HSG vẫn lời nhờ giá tăng. Chỉ có HSG làm được chuyện đó, vì có hệ thống phân phối.

Ông Lê Phước Vũ (thứ 3 từ trái qua) và lãnh đạo HSG trên bàn chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Ông Lê Phước Vũ (thứ 3 từ trái qua) và lãnh đạo HSG trên bàn chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Về kế hoạch lợi nhuận niên độ năm 2020 - 2021, Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng 1,8 triệu tấn, tăng 11%; doanh thu 33.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng. Quý I niên độ tài chính vừa qua, HSG dự kiến đạt 575 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ông Vũ cho biết, HSG vừa có nhập khẩu vừa có xuất khẩu, nên không lo ngại về biến động tỷ giá.

Về chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến tỷ lệ 10%, ông Vũ cho biết, từ nay sẽ không chia cổ tức tiền mặt rút nguồn lực tài chính Công ty, mà chia bằng cổ phiếu, có lợi hơn cho cổ đông khi doanh nghiệp tăng trưởng.

Hoa Sen sẽ chỉ sản xuất tôn, ống thép, ống nhựa và không tăng công suất nữa, toàn bộ nhà máy sẽ khấu hao sau chừng 3 năm nữa và toàn bộ vốn lưu động sẽ là của cổ đông. Toàn bộ hệ thống phân phối đi thuê, chứ không đầu tư và phải đảm bảo hiệu quả. Tỷ lệ nợ của HSG sẽ giảm xuống dưới 1 sau một năm nữa.

Theo ông Trần Văn Chu, Tổng giám đốc HSG, chi phí tài chính lãi vay hàng tháng của HSG đã giảm xuống còn 26 tỷ đồng/tháng trong tháng 12 so với mức 80 tỷ đồng/tháng của năm ngoái, nên mỗi năm HSG sẽ tiết kiệm được 600 - 700 tỷ đồng lãi vay.

Nếu điều hành cho tốt, doanh thu của hệ thống này lên đến 50.000 - 70.000 tỷ đồng. Vấn đề là điều hành như thế nào quy trình vận hành cho tốt.

Trả lời nhà đầu tư về tin đồn Hoa Sen và Hòa Phát sáp nhập, ông Vũ nói: “Đúng năm 2026, tôi sẽ rời Hoa Sen vì tôi đã muốn xuất gia từ năm 30 tuổi. Việc đưa Hoa Sen thành nhà phân phối để tôi rời đi trong trách nhiệm. Đến năm 2026 tôi sẽ giao lại công ty cho ai đó xứng đáng. Hiện nay, tôi ở trên núi vẫn chỉ đạo anh em dưới nay, vẫn tự chốt giá mua nguyên vật liệu. Tôi tin chắc HSG chuyển hướng sang nhà phân phối vật liệu xây dựng chắc chắn sẽ thành công. Chắc chắn đến lúc tôi sẽ bán hết cổ phiếu của tôi cho đối tác chiến lược, đó là lý do có kế hoạch bán cho đối tác chiến lược. Nếu triển khai đúng kế hoạch của tôi, 5 năm tới doanh thu của HSG phải đạt 5 tỷ USD, thì các mặt hàng hiện nay HSG sản xuất chỉ chiếm một phần nhỏ”.

“Tôi trả lời luôn với quý vị tôi sẽ xuất gia. Ai là người tiếp tục thay tôi, tôi và anh em Ban Tổng giám đốc ở đây sẽ lựa chọn. Năm 2026 chắc chắn tôi sẽ nói lời chia tay và tôi còn trách nhiệm trong 5 năm tới. Tôi nói vậy để quý vị đừng đồn đoán nữa”, ông Vũ nói kết thúc nội dung thảo luận tại Đại hội.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục