Sau khi khuấy động thị trường toàn cầu với các thương vụ mua tài sản nước ngoài trị giá 246 tỷ USD trong năm 2016, bước sang năm 2017, các tổ chức tài chính của Trung Quốc đang tạm dừng các hoạt động thâu tóm tài sản trên toàn cầu.
Cụ thể, hoạt động mua tài sản xuyên biên giới của Trung Quốc đã giảm 67% trong 4 tháng đầu năm 2017, mức giảm mạnh nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2009, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, ít có khả năng làn sóng mua tài sản nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc bùng nổ trở lại. Theo đó, giới chức Đại lục đang đặt ra các quy định gây nhiều khó khăn khi chuyển tiền qua biên giới.
Chưa kể, các công ty muốn bán tài sản đang dựng nên các rào cản cảnh giác bởi người mua Trung Quốc từng gây nhiều tai tiếng vì hủy bỏ kế hoạch đột ngột. Một số doanh nghiệp lựa chọn cách đặt ra quy định phạt tiền nếu người mua bỏ ngang thương vụ, trong khi một số khác sẵn lòng từ chối lời chào mua từ Trung Quốc để lựa chọn đối tác khác trên toàn cầu, dù mức giá bán được thấp hơn.
“Hoạt động M&A quốc tế của các ông chủ Trung Quốc dường như sẽ duy trì ở mức thấp từ nay cho tới hết năm”, Bee-chun Boo, thành viên HĐQT chuyên về hoạt động thâu tóm và sáp nhập của hãng luật Baker & McKenzie LLP cho biết.
Làn sóng mua tài sản nước ngoài lao dốc có thể giúp kiềm chế tình trạng dòng tiền tháo chạy ra bên ngoài và giúp thị trường tiền tệ Đại lục bình ổn. Do đó, việc hạ nhiệt làn sóng mua tài sản quốc tế đã trở thành chính sách ưu tiên của chính quyền Đại lục.
Cụ thể, giới chức nước này đã lên kế hoạch kiểm soát hoạt động thâu tóm tài sản nước ngoài có giá trị từ 1 tỷ USD đối với lĩnh vực không thuộc ngành cốt lõi của doanh nghiệp muốn tiến hành mua tài sản.
Đa phần các hoạt động đầu tư quốc tế có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên bị cấm và ngăn chặn doanh nghiệp nhà nước mua tài sản quốc tế có giá trị vượt quá 1 tỷ USD từ đầu năm cho tới ít nhất là tháng 9/2017.
Ngay cả các thương vụ đã được thực hiện trước thời điểm áp dụng quy định này cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Trong tháng 4, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Shandong Tyan Home Co tuyên bố rút lui khỏi việc mua lại cổ phần trị giá 1,3 tỷ USD của Barrick Gold Corp – công ty khai thác mỏ của Australian với lý do bị ngăn cản bởi các quy định của chính quyền.
Bên cạnh đó, thương vụ mua lại Dick Clark Productions Inc trị giá 1 tỷ USD của tỷ phú Wang Jianlin, ông chủ Dalian Wanda Group Co cũng bị hủy bỏ trong tháng 3. Theo một nguồn tin giấu tên, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc Tập đoàn Wanda gặp khó khăn khi chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Cùng tháng này, Công ty bất động sản Macrolink Grop cũng chấm dứt việc thỏa thuận mua lại vùng đất tại London từ St. Modwen Properties Plc với giá 777 triệu USD với lý do như trên.
“Việc kiểm soát dòng vốn ra vào của chính quyền Trung Quốc rõ ràng đã có tác động rất lớn tới hoạt động M&A xuyên biên giới. Các công ty Trung Quốc, đặt biệt là những công ty niêm yết, sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện các thương vụ mua bán tài sản trong thời gian này, bởi họ không quen với các phương tiện tài chính quốc tế, cũng không thường sử dụng các hoạt động huy động vốn tại nước ngoài”, Joseph Gallagher, người đứng đầu bộ phận thâu tóm và sáp nhập khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse Group AG cho biết.
Không chỉ gặp khó vì quy định của chính quyền, các doanh nghiệp Trung Quốc còn phải đối mặt với sự e ngại của các đối tác quốc tế. Theo đó, các công ty muốn bán tài sản yêu cầu khách hàng Trung Quốc phải nộp mức phí tương đương 10% giá trị của thương vụ, tăng mạnh so với mức 2% trước đó, nếu “lật kèo”. Violet Ho, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc của Kroll Inc, công ty cung cấp dịch vụ tư vấn M&A toàn cầu đã chia sẻ như vậy.
Với việc gặp phải các yếu tố ngăn cản, giá trị các thương vụ M&A quốc tế của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thấp hơn 40 – 50% so với mức đạt được năm 2016, Fang Jian, nhà quản lý hãng luật Linklaters LLP cho biết.