Ông chủ ô mai Hồng Lam và những phép thử sai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rời quân ngũ năm 1991, ông Nguyễn Hồng Lam quyết định bước chân vào thương trường. Trải qua nhiều lần sai, sửa sai, ông đã gây dựng lên thương hiệu ô mai Hồng Lam, đưa một món quà vặt trở thành “tinh hoa quà Việt”.
Ông Nguyễn Hồng Lam Ông Nguyễn Hồng Lam

Ngã ở đâu đứng lên ở đó

Ngồi trò chuyện cùng nhà sáng lập thương hiệu ô mai Hồng Lam trước thềm Xuân Giáp Thìn mới thấy rằng, để xây dựng được thương hiệu ô mai nổi tiếng như ngày nay, ông đã bị vấp ngã không ít lần.

Sinh năm 1957, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Lam được cử đi học tại Liên Xô về kỹ sư ngành điện ảnh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Trở về nước năm 1981, ông công tác tại Xưởng phim quân đội - Tổng cục Chính trị. “Thời ấy kinh tế khó khăn, ban ngày là lính, buổi tối tôi đi làm thêm với đủ nghề như dệt len, in vải, chữa tủ lạnh, tivi… Có những thời điểm mỗi ngày tôi kiếm được bằng cả một tháng lương”, ông kể.

Tích lũy được ít vốn liếng, ông Lam vay mượn thêm để cho vay lấy lãi, nhưng một đối tác không may tai nạn qua đời, một đối tác thì bị vỡ nợ. Thế là mất trắng.

“Không những mất hết số tiền tích cóp, tôi còn cõng thêm khoản nợ 20 cây vàng. Thời điểm đó, lương cấp tướng của bố tôi một tháng là 1 chỉ vàng. Tôi thấy, để trả nợ được chỉ còn cách đi buôn. Chú tôi cũng nói, tôi chỉ chọn một con đường, không thể chân trong chân ngoài. Tôi quyết định xin ra quân”, ông Lam nhớ lại.

Năm 1991, sau 16 năm trong quân ngũ, nhận số tiền ra quân, ông mua một dây chuyền vàng tặng vợ làm kỷ niệm và khởi nghiệp với hai bàn tay trắng.

Ban đầu không có vốn, ông chủ yếu kiếm tiền bằng cách “hóng thông tin” để “lướt sóng”. Ông kể, lúc ấy, khi hay tin đồng USD đang tăng giá 3 - 5% từ những người bạn kinh doanh ở phố Hàng Bạc (Hà Nội), dựa theo phân tích về mối tương quan giữa USD và hàng nhập khẩu, ông vay tiền đặt cọc mua số lượng lớn mì chính. Đúng như dự đoán, sau đó giá mỳ chính tăng 7 - 10%, ông bán luôn giấy đặt cọc mua mì chính và có ngay khoản tiền chênh kha khá.

Nhanh nhạy trong kinh doanh chính là tố chất giúp Nguyễn Hồng Lam chớp được thời cơ trên thương trường. Một lần khách hàng tìm đến gia đình người anh của ông đặt mua 100 tấn tăm hương, người anh từ chối, nhưng ông nhận lời dù chưa hình dung được số lượng lớn đến mức nào. Ông đi đến chợ Đồng Xuân tìm mua, người ta chỉ đến Ứng Hòa, Hà Tây (cũ). Ông mang theo tiền và lần tìm mối hàng. Bộ óc nhạy bén đã giúp ông thuyết phục được một hộ gia đình đồng ý làm và gom 100 tấn tăm hương trong 7 ngày. Thương vụ này đã mang lại khoản lợi nhuận lớn và giúp ông có mối làm ăn nhiều năm sau đó.

Tuy nhiên, thấy làm tăm hương tốt, nhiều hộ làm theo, chất lượng cũng kém đi, khiến việc làm ăn của ông không thuận lợi như trước, nên ông chuyển hướng sang mảng kinh doanh khác.

Bước vào lĩnh vực mới, ông cũng có những va vấp ban đầu. Khi đó, khách hàng đặt mua quả trám khô, ông lại giao nhầm trái cà na (trám của Tây Nguyên), thương vụ nhầm ấy may mắn khách vẫn trả tiền và ông có lãi 1 triệu, nhưng là bài học nhớ đời. Lần khác, ông gặp phải đối tác bán nguyên liệu làm ăn gian dối. Khi nhận hàng, ông chủ quan và một phần tin tưởng đối tác, chỉ kiểm tra phía trên thấy hàng đảm bảo nên nhận, không ngờ các bao tải hàng tốt chỉ ở phía trên, còn ở giữa là hàng hỏng hoặc gạch đá, ở cuối là hàng loại hai…

“Sau lần mất tiền mua hàng kém chất lượng ấy tôi có một quy tắc ‘mua mở, bán mở’, mua bao nhiêu tấn đổ ra bấy nhiêu, phân loại sản phẩm”, ông Hồng Lam nói.

Những bài học trong quá khứ đã giúp ông Nguyễn Hồng Lam đưa doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19.

“Sau lần từ người cho vay trở thành người mang nợ, tôi đã đúc kết cho mình bài học lớn. Tôi không vay quá nhiều và luôn xác định tiền mặt là vua”, vị doanh nhân U70 đúc kết.

“Mỗi lần thất bại vì tính toán sai, tôi thường bình tĩnh, nhìn nhận xem sai ở đâu, để tìm ra hướng giải quyết. Tôi tâm niệm sai ở đâu đứng lên ở đó. Hãy tiếc cái không làm, đừng tiếc cái đã làm sai, bởi sai thì làm lại. Có những sản phẩm như sấu bao tử, tôi phải thử đến bản thứ sáu mới hoàn hảo. Bởi không ai đúng ngay từ đầu, làm nhiều sẽ có những lúc làm sai. Bên cạnh đó, xu hướng biến đổi, mọi thứ chỉ là tương đối nên đừng sợ sai”, nhà sáng lập ô mai Hồng Lam bộc bạch.

Bước ra biển lớn

Suốt nhiều năm qua, ô mai Hồng Lam theo tay người Việt đã đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. “Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có ô mai Hồng Lam. Mọi người thường xách tay mang theo làm quà. Còn riêng tại Mỹ, có công ty đặt hàng chúng tôi để cung cấp vào hệ thống siêu thị của họ bán cho kiều bào Việt. Tại một số siêu thị của Đức, Úc, Séc… cũng có sản phẩm của Hồng Lam”, ông chia sẻ.

Tôi hỏi: Có khi nào Hồng Lam mở chi nhánh tại nước ngoài không? Ông Hồng Lam cho biết, đang nghiên cứu thị trường Indonesia, Ấn Độ. Đây là hai quốc gia có dân số đông, riêng Ấn Độ dân số đã lên đến hơn 1,4 tỷ dân.

“Tôi tìm hiểu để bán sản phẩm cho người bản địa chứ không riêng chỉ cho Việt kiều. Hai quốc gia này người dân đều có thói quen ăn quà vặt giống người Việt”, ông Lam tiết lộ và cho biết, Hồng Lam phát triển theo định hướng bền vững, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng giá trị lên.

Bên cạnh đó, không chỉ quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp, vị doanh nhân dày dặn này còn cho biết, đang thực hiện dự án trồng gừng trong bao tải cho các phụ nữ vùng miền núi có hoàn cảnh khó khăn. Với dự án trồng gừng này, Công ty chủ động trong kiểm soát chất lượng sản phẩm từ việc cung cấp giá thể, cây giống, đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm bán cho các nước có khí hậu lạnh. Dự án này Hồng Lam thực hiện nhằm tạo sinh kế cho phụ nữ yếu thế, họ có thể để bao tải trồng gừng ở bất kỳ nơi đâu, vẫn có thể làm việc nhà, chăm con và có thêm thu nhập.

Trong suốt hành trình 30 năm kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, học vấn và sự tự tin là yếu tố quan trọng để có thể thành công. Ông không ngừng nỗ lực học mỗi ngày, ngay cả hiện tại khi đã sang lứa tuổi U70, ông vẫn tham gia các chương trình đào tạo, diễn đàn, hội thảo, bởi ông tâm niệm: “Phải đi ra ngoài mới biết xã hội đang làm gì, đang thay đổi ra sao để mình còn nắm bắt thích ứng kịp”.

Chính sự ham học hỏi đó đã giúp ông xây dựng lên thương hiệu ô mai Hồng Lam vững mạnh như hôm nay. Khi chưa ai chú trọng đến bao bì và marketing, Hồng Lam đã làm rất sớm. Khi các sản phẩm ô mai còn đang được làm rất thủ công, ông đã đầu tư xây dựng nhà máy 22.000 m2 được xây dựng khang trang, chuyên nghiệp, gắn với tự động hóa với quan điểm “Việt Nam hóa giấc mơ Mỹ”. Giấc mơ Mỹ ở đây được ông cắt nghĩa là biến giấc mơ không thể thành có thể.

Dám nghĩ, dám làm, ông đã thành công với sự kiên trì đi đến cùng để đạt được mục tiêu. Hiện Hồng Lam có hơn 20 cơ sở trên cả nước, cùng nhiều cửa hàng nhượng quyền thương hiệu. Thương hiệu Hồng Lam phủ sóng trong và ngoài nước, trở thành món quà nhiều người tiêu dùng nghĩ đến khi muốn mua một đặc sản Hà Nội làm quà.

Trong hộp quà Tết Giáp Thìn 2024 của Hồng Lam, người viết ấn tượng với chủ đề Lộc Phát lấy cảm hứng hình ảnh “cá chép hóa Rồng” cùng lời chúc may mắn, tài lộc gửi đến khách hàng. Rồng được coi là biểu trưng cho sự may mắn, nỗ lực, nắm bắt cơ hội chính xác để thành công.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục