Ổn định tỷ giá, cái gốc là giải quyết lạm phát

(ĐTCK) “Nền kinh tế Việt Nam khi lạm phát vẫn cao một cách tương đối so với nhiều quốc gia khác chắc chắn vẫn tạo ra khoảng cách định giá thực của đồng tiền. Nhưng thay vì điều chỉnh để thu hẹp khoảng cách này, cần giải quyết cái gốc là lạm phát”. Đó là quan điểm của ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam).
Ông Phạm Hồng Hải. Ông Phạm Hồng Hải.

Tỷ giá biến động mạnh trong mấy ngày qua, theo ông, nguyên nhân do đâu?

Cung cầu thực của thị trường không tạo áp lực cho việc tiền đồng biến động mấy ngày qua, mà theo tôi, biến động do một số tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số ngân hàng. Đầu tiên, thị trường tự do biến động, gây tác động gián tiếp lên thị trường liên ngân hàng, khiến một vài ngân hàng lo ngại tỷ giá biến động mạnh trong khi ngân hàng vẫn giữ trạng thái ngoại tệ âm nhằm kiếm lợi nhuận trong việc chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lại mua USD để cân bằng trạng thái, tạo lực cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, một vài DN lo ngại tỷ giá tiếp tục lên dù nhu cầu chưa cần ngay, nhưng khi tỷ giá USD/VND vượt qua mốc 21.000 cũng ra thị trường mua phòng chống rủi ro. Tuy nhiên, tổng cầu không lớn và với dự trữ ngoại hối hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì việc can thiệp thị trường rất đơn giản.

 

Liệu có phải tỷ giá bị dồn nén quá lâu, thưa ông?

Nếu NHNN không can thiệp tỷ giá trong khoảng 1 năm trở lại đây, chắc chắn chúng ta sẽ thấy VND tăng giá, do vậy, việc ổn định tỷ giá thời gian qua cũng đã hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, giữ một mức cố định trong thời gian dài có thể tạo ra tình trạng “ru ngủ” cho các DN, còn người dân quen với việc tỷ giá cố định sẽ quên việc có lúc tỷ giá sẽ biến động và quan trọng là không quan tâm đến các biện pháp phòng chống và quản trị rủi ro của DN. Nên để tỷ giá có sự điều chỉnh lên xuống, nhưng ở mức độ mà các DN và người dân chấp nhận được.

Các tổ chức tín dụng, DN và người dân, những lúc thị trường bất ổn cần cân nhắc kỹ để nhận thấy đâu là lực sẽ làm thay đổi tỷ giá nhằm có hành xử hợp lý, không góp phần tạo nên sự bất ổn. Việc tỷ giá USD/VND tăng từ 20.830 lên 20.890 cần nhìn nhận là bình thường, không phải là quá lớn để nói là có sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN.

 

Dẫu vậy, có ý kiến cho rằng, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá 3 - 4% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc duy trì một mức tỷ giá USD/VND hợp lý để hỗ trợ xuất khẩu là một định hướng và Nhà nước vẫn đi theo định hướng này. Tuy nhiên, cần phải tính toán điều chỉnh như thế nào và bao nhiêu khi năm 2012 vừa qua, tỷ giá ổn định tạo bước đệm lớn cho thị trường tiền đồng. Nếu quay lại cách thức điều chỉnh 3 - 4% trong một đêm, liệu có thực sự giúp cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam ? Bên cạnh đó, trong nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu, giá trị nhập khẩu cấu thành sản phẩm lớn và giá trị cộng thêm không nhiều.

Phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu phải nhìn hàng hóa của Việt Nam sẽ bán cho ai và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới của Việt Nam là gì? Nếu lực cầu thế giới còn yếu thì phá giá đồng nội tệ chưa chắc đã giúp làm tăng tương ứng giá trị hàng xuất khẩu. Trường hợp Việt Nam chỉ gia công hàng hóa thôi thì việc phá giá tiền đồng có hỗ trợ xuất khẩu hay không là một câu hỏi? Tập trung cải cách cơ cấu nền kinh tế, phát triển những ngành có thế mạnh về xuất khẩu sẽ tốt hơn là việc phá giá tiền đồng để kích thích xuất khẩu.

Hơn thế, bối cảnh năm 2013, lạm phát có thể ở mức cao hơn năm ngoái, nhất là khi có nhiều yếu tố từ bên ngoài sẽ tác động, khiến tỷ giá tăng, vô hình trung nhập khẩu lạm phát. Nếu điều chỉnh tỷ giá 3 - 4%, thị trường tiếp tục kỳ vọng một sự điều chỉnh nữa và phản ánh vào trong giá cả hàng hóa. Như vậy, ngoài phần tăng chi phí do tỷ giá điều chỉnh, chúng ta sẽ chịu thêm chi phí kỳ vọng điều chỉnh trong thời gian tới, tạo nên nhiều điểm hại hơn lợi cho Việt Nam .

 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, VND được định giá quá cao so với USD. Vậy có nên kéo dần khoảng cách này xuống?

Nếu xét giá trị VND trong tương quan với các đồng tiền khác, khó có thể nói là cao hơn bao nhiêu. Nền kinh tế Việt Nam khi lạm phát vẫn cao một cách tương đối so với quốc gia khác chắc chắn vẫn tạo ra khoảng cách định giá thực của đồng tiền. Nhưng thay vì điều chỉnh để thu hẹp khoảng cách này, nên nhìn lại cái gốc là lạm phát. Lạm phát vẫn ở mức cao thì năm nào cũng phải điều chỉnh tỷ giá để cân bằng lại giá trị thực, thì đó sẽ là bài toán không có điểm dừng. NHNN đã tăng được dự trữ ngoại hối lên rất nhiều so với trước đây, nhưng để tăng được dự trữ ngoại hối là không đơn giản, nên không thể thị trường có biến động là NHNN lại can thiệp ngay. Cần giải quyết cái gốc nhiều hơn là ngọn và chúng ta lại quay lại đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta đã có hướng đi đúng và cần kiên định thực hiện.

 

Theo ông, tỷ giá nên điều hành theo hướng nào trong năm 2013?

Tỷ giá cần phản ánh biến động thực sự theo cung cầu của thị trường. Nên có những điều chỉnh tỷ giá nho nhỏ lên xuống, làm cho thị trường và mọi người quen với việc tỷ giá có sự thay đổi.

Hà An thực hiện.
Hà An thực hiện.

Tin cùng chuyên mục