OGC thay đổi như thế nào sau 2 năm quyết liệt tái cơ cấu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, OGC) vừa thông báo triệu tập phiên họp Đại hội cổ đông bất thường.
OGC thay đổi như thế nào sau 2 năm quyết liệt tái cơ cấu?

Cổ phiếu OGC trở thành tâm điểm chú ý của thị trường gần đây khi công ty bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực từ kinh doanh và điều hành, sau hai năm "chấp nhận đau thương" để cấu trúc lại hoạt động.

Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, OGC) vừa thông báo triệu tập phiên họp Đại hội cổ đông bất thường. Đây là những “viên gạch” thứ hai trong chặng đường của quá trình tái cấu trúc OGC, theo chia sẻ của bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT của công ty.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OGC trở thành tâm điểm khi liên tục tăng mạnh từ cuối năm 2023. So với mức đáy hơn 5.500 đồng vào đầu tháng 10/2023, chỉ trong ba tháng, cổ phiếu OGC đã tăng hơn 40%, lên hơn 8.000 đồng tính tới cuối phiên ngày 10/01/2024.

Vượt qua khó khăn

Hơn thập kỷ trước, nhắc đến cái tên "Tập đoàn Đại Dương" là đề cập đến một tập đoàn đa ngành có tiếng hàng đầu và cũng là một bluechip trên thị trường chứng khoán. Mảng hoạt động trải rộng từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng đến truyền thông, chứng khoán, ngân hàng.

Tuy nhiên, sau những biến cố xảy ra, nguồn thu chủ yếu của công ty chỉ đến từ việc bán bớt tài sản. Tiếp đó hàng loạt vấn đề về hoạt động, công tác điều hành và những khúc mắc giữa ban điều hành và những cổ đông mới, cổ đông cũ của công ty khiến nhiều năm liên tiếp công ty phải vật lộn với khủng hoảng. Chỉ đến khi bắt đầu quá trình thay đổi cơ cấu cổ đông lớn và nhân sự chủ chốt từ giữa năm 2022, OGC mới có dấu hiệu hồi phục và thay đổi tích cực.

Phiên họp Đại hội đồng cổ đông giữa năm 2022 đã thông qua việc rà soát lại toàn bộ báo cáo tài chính, theo đó, OGC đã hoàn thành việc trích lập dự phòng toàn bộ các khoản nợ xấu (khoảng 2.500 tỷ đồng) và chuyển hầu hết các khoản nợ xấu từ bảng cân đối ra theo dõi ngoại bảng để tiếp tục triển khai các biện pháp thu hồi theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán năm 2021 của OGC khi được phát hành là một báo cáo với những con số không mang nhiều sắc thái tích cực nhưng đã phản ánh chân thực, rõ ràng và thể hiện toàn bộ hiện trạng thực tế của doanh nghiệp.

Năm 2022, doanh thu của OGC tăng hơn gấp đôi từ 409 tỷ lên hơn 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ mức âm 276 tỷ đồng trở lại con số dương, đạt 115 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 109% kế hoạch doanh thu và 212% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của OGC đạt lần lượt là 2.993 tỷ đồng và 1.067 tỷ đồng.

Chặng đường thứ 2 - "Diện mạo" mới của OGC

Những thay đổi tích cực của OGC được thể hiện trên những số liệu tài chính. Doanh thu hợp nhất năm 2023 ước đạt 1.100 tỷ đồng, bằng 102% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 ước đạt 173 tỷ đồng, bằng 152% so với năm trước.

Mặc dù vẫn còn lỗ lũy kế nhưng con số lợi nhuận dương tăng trưởng mạnh trong hai năm gần đây khi các cổ đông mới tham gia đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong nội tại doanh nghiệp. Chuyển biến này đến từ quyết tâm thay đổi về điều hành, về định hướng hoạt động, về kế hoạch tương lai của Ban Lãnh đạo Tập đoàn.

Một loạt hoạt động đầu tư đã được OGC thực hiện trong năm qua - điều chưa từng có trong giai đoạn sau khủng hoảng và hàng loạt các dự án ở các vị trí đắc địa đã dần được gỡ nút thắt để đi vào phát triển.

“Năm nay, mục tiêu của OGC là đẩy mạnh công tác triển khai cấp phép cho các dự án đã có quỹ đất và đang ở giai đoạn gần hoàn thiện. Đồng thời, để chuyên môn hóa hoạt động của tập đoàn theo hướng đẩy mạnh kinh doanh hoạt động bất động sản và khách sạn, Ban Lãnh đạo Tập đoàn dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chuyển nhượng một số các dự án trực thuộc OCH về OGC nhằm quản trị điều hành trực tiếp và đẩy mạnh hiệu suất kinh doanh”, bà Nga cho biết.

P. Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục