OGC, OCH bị thâu tóm âm thầm?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau khi bất ngờ báo lỗ trong quý III, Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ OCH (mã OCH) tiếp tục gây chú ý với thông tin đã bị IDS Equity Holdings nắm tới 82% cổ phần.

Mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn của OCH bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Khu đất khách sạn StarCity Westlake số 10 Trấn Vũ của OCH đang được tận dụng làm bãi để xe. Ảnh: Dũng Minh. Mảng kinh doanh dịch vụ khách sạn của OCH bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Khu đất khách sạn StarCity Westlake số 10 Trấn Vũ của OCH đang được tận dụng làm bãi để xe. Ảnh: Dũng Minh.

IDS nắm 51% OCG và 82% quyền kiểm soát của OCH

Theo tờ báo DealStreetAsia, IDS Equity Holdings (IDS) cùng một nhóm nhà đầu tư đã thâu tóm 51% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và 22,3% cổ phần tại công ty con là OCH. IDS được biết tới là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực mua lại, tái cấu trúc các doanh nghiệp, chuyên đầu tư vốn cổ phần, đầu tư vào nợ xấu (NPL) và phát triển bất động sản.

Nhắm tới các doanh nghiệp đang gặp căng thẳng về dòng tiền và nợ xấu tại thị trường Việt Nam, IDS Equity Holdings hiện đang dưới sự kiểm soát của Leadvisors Capital Management.

Tuy giá trị của thương vụ M&A trên chưa được công bố, nhưng theo tính toán của DealStreetAsia dựa trên thị giá cổ phiếu thì nhóm nhà đầu tư của IDS phải chi ra khoảng 50 triệu USD để mua cổ phần tại OGC và 20 triệu USD cho số cổ phần tại OCH.

Theo tính toán của DealStreetAsia, nhóm nhà đầu tư của IDS phải chi ra khoảng 50 triệu USD để mua cổ phần tại OGC và 20 triệu USD cho số cổ phần tại OCH.

OGC sở hữu gần 60% cổ phần tại OCH tính tới cuối quý III/2020. Trước đó, OGC đã công bố sự chấp thuận của Hội đồng quản trị để giảm bớt cổ phần nắm giữ tại OCH với mục đích có thêm nguồn vốn xử lý các khoản nợ trị giá hơn 2.800 tỷ đồng.

Đợt bán cổ phần này sẽ khiến OGC không còn là cổ đông kiểm soát của OCH, khiến OGC mất đến 93% doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh trong báo cáo tài chính hợp nhất.

Cũng theo DealStreetAsia, ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc Phát triển khách sạn của IDS Equity Holdings cho biết, “với tư cách là nhóm cổ đông kiểm soát hơn 51% tại OGC và hơn 22% tại OCH, trong khi OGC sở hữu gần 60% tại OCH, quyền lợi của chúng tôi là tới 82% của OCH. Sẽ không có quá nhiều tranh cãi và chúng tôi sẽ cùng các thành viên Ban lãnh đạo hiện tại ngồi xuống để chia sẻ và thống nhất nguyên tắc điều hành”.

“Vì mất niềm tin vào một số thành viên lãnh đạo, chúng tôi quyết định sẽ tiến hành tiếp quản quyền điều hành OGC và OCH. Chúng tôi tin rằng trong 12 tháng tới, hoạt động kinh doanh của cả hai công ty sẽ trở lại quỹ đạo trước đó.”, ông Minh nói với DealStreetAsia.

Sau khi về tay IDS, cổ phiếu OGC và OCH sẽ tiếp tục được giao dịch trên sàn để đảm bảo lợi ích của các cổ đông thiểu số và thanh khoản,

OCH bất ngờ lỗ quý III

Quý III/2020 là quý III đầu tiên OCH báo lỗ, kết thúc “truyền thống” lãi tốt trong khoảng thời gian này của năm nhờ mảng bánh Trung thu. Tại thời điểm 30/9/2020, OCH sở hữu 99,68% vốn tại Công ty cổ phần Bánh Givral và 99,66% vốn của Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền (công ty con của Công ty cổ phần Bánh Givral). Hai doanh nghiệp này đều hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các loại bánh và kem…

OCH nắm 99,66% vốn của Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền. Ảnh: Dũng Minh.

OCH nắm 99,66% vốn của Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền. Ảnh: Dũng Minh.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 lỗ 16,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 94,9 tỷ đồng và ngay quý trước lãi 236,7 tỷ đồng. Lý do thua lỗ theo OCH giải trình xuất phát từ một số nguyên nhân:

Thứ nhất, doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ giảm khoảng 60% (tương ứng 348,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm (mảng thực phẩm) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của OCH, đạt hơn 225 tỷ đồng trong quý III, giảm đến 51% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến doanh thu của toàn bộ các công ty con kinh doanh dịch vụ khách sạn bị sụt giảm tới 94% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 8 tỷ đồng.

Do những khó khăn này, lợi nhuận gộp giảm mạnh 61% (tương đương 187,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ hai, chi phí tài chính tăng 197% (tương đương 36,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019 do Công ty thực hiện trích lập dự phòng khoản đầu tư dài hạn vào các công ty khác trong quý III, do các công ty này cũng chịu ảnh hưởng của dịch dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh.

Thứ ba, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm lần lượt là 59% và 46% (tương đương 62,7 và 24 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019, nhưng mức giảm của các chỉ tiêu này không tương ứng với mức độ suy giảm của doanh thu do Công ty vẫn phát sinh chi phí để duy trì hoạt động của các mảng kinh doanh khách sạn và dịch vụ nhằm đón đầu sự hồi phục trở lại của ngành du lịch.

Tính chung 9 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng hơn 244 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ nhờ kết quả khả quan trong quý I/2020, chủ yếu do lãi từ việc thoái vốn đầu tư tại 2 công ty là Công ty cổ phần Du lịch Khách sạn Suối Mơ và Công ty cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư.

Mặc dù đánh giá 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của Công ty, OCH vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh lạc quan cho năm nay.

Theo đó, OCH đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.325 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2019.

Đáng chú ý, OCH đặt mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất lần lượt gấp 2,2 lần và 3,7 lần kết quả năm 2019, dự kiến đạt hơn 160 tỷ đồng và 115 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch, OCH mới thực hiện được 37% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 33% mục tiêu lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản OCH ở mức gần 2.971 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 855 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, OCH phải thu ngắn hạn hơn 586 tỷ đồng từ ông Hà Trọng Nam – anh trai ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương.

Trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu OCH đã tăng 31,7% và tăng 54,29% trong 1 năm qua.

Trong khi đó, Tập đoàn Đại Dương (OGC) tiếp tục báo lỗ quý III. Theo OGC, nguyên nhân khiến lãi ròng quý III giảm 53 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 29 tỷ đồng, là do doanh thu thuần trong quý giảm 353 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 60%. Nguyên nhân chủ yếu là tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty trong Tập đoàn kinh doanh về lĩnh vực khách sạn, du lịch và thực phẩm.

Với lỗ lũy kế tính đến hết quý III còn gần 2.668 tỷ đồng, cổ phiếu OGC vẫn tiếp tục nằm trong diện bị kiểm soát.

OGC chưa xác minh được tỷ lệ sở hữu của nhóm IDS

Ông Mai Hữu Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC

Thời gian vừa qua, OGC đã nhận được một số thư đề nghị gặp mặt của IDS Equity Holdings (IDS) khi công bố trên truyền thông đã sở hữu 51% cổ phần Công ty. Tuy nhiên, qua xác minh trong danh sách cổ đông do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cung cấp cho thấy IDS không sở hữu cổ phần của OGC.

Trong thư IDS gửi có danh sách ủy quyền của nhóm cổ đông với khoảng 51% cổ phần, ngày chốt danh sách rải rác từ tháng 10 đến tháng 11/2020, không cùng một thời điểm. Điều này khiến Ban lãnh đạo OGC chưa xác minh được chính xác tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm nhà đầu tư ủy quyền cho IDS.

Với tư cách đại diện pháp luật OGC, tôi khẳng định đến bây giờ OGC chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư, hỗ trợ nào của IDS.

Chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin nào của các cổ đông yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bỏ phiếu thay đổi Ban lãnh đạo. HĐQT, Ban Kiểm soát do ĐHĐCĐ bầu với nhiệm kỳ 5 năm (2019 – 2024) vẫn đang hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Điều lệ công ty.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục