OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

(ĐTCK) Theo Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế (OECD), triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện khi tăng trưởng trở nên kiên cường hơn và lạm phát được dự đoán sẽ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến trước đây ở nhiều quốc gia.

Trong khi các cuộc xung đột ở Trung Đông hoặc tình trạng tăng giá dai dẳng hơn vẫn có thể làm giảm đi tính ổn định ở một số nền kinh tế, OECD cho rằng các rủi ro đang trở nên “cân bằng hơn”.

OECD đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 lên 3,1% từ mức 2,9% trong tháng 2, với những cải thiện đáng chú ý về kỳ vọng đối với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tiếp tục mở rộng ở mức 3,2% trong năm tới.

Triển vọng tươi sáng hơn cho thấy nền kinh tế thế giới có vẻ sẽ tránh rơi vào tình trạng đình lạm - thời kỳ tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cùng với lạm phát tăng cao - ngay cả khi tốc độ mở rộng sẽ không sớm quay trở lại mức trung bình 3,4% trong những năm trước đại dịch và khủng hoảng năng lượng.

Hôm thứ Tư (1/5), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell vẫn giữ quan điểm về việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024, đồng thời thừa nhận lạm phát bùng nổ đã làm giảm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách rằng áp lực giá cả đang giảm bớt.

Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD cho biết: “Sự lạc quan thận trọng đã bắt đầu chiếm ưu thế trong nền kinh tế toàn cầu, bất chấp mức tăng trưởng khiêm tốn và bóng tối dai dẳng của những rủi ro địa chính trị. Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp ở mức hoặc gần mức thấp kỷ lục”.

Trong quá trình phục hồi, OECD cho biết, sự khác biệt giữa tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ và trì trệ hơn ở châu Âu sẽ tồn tại trong thời gian tới, tạo ra một “bối cảnh kinh tế vĩ mô hỗn hợp”. Điều đó sẽ dẫn đến các bước cắt giảm lãi suất khác nhau, trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu nới lỏng trước Fed.

Tuy nhiên, các cơ quan tiền tệ nên thận trọng vì xung đột có thể đẩy giá năng lượng và lạm phát tăng cao, đồng thời việc giảm áp lực chi phí cũng có thể chậm hơn dự kiến trong lĩnh vực dịch vụ.

“Chính sách tiền tệ cần phải thận trọng để đảm bảo rằng áp lực lạm phát cơ bản được kiềm chế lâu dài”, OECD cho biết.

Đối với các chính phủ, bối cảnh kinh tế được cải thiện mang đến cơ hội giải quyết gánh nặng nợ nần chồng chất có nguy cơ phình to hơn khi chi phí đi vay tăng cao. OECD cũng cảnh báo các nước sẽ phải đối mặt với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng do dân số già, biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng cường quốc phòng.

“Trong trung và dài hạn, tình hình tài chính đang rất đáng lo ngại… Tất cả đều cần có một cách tiếp cận trung hạn mạnh mẽ để kiềm chế chi tiêu, xây dựng nguồn thu và tập trung nỗ lực chính sách vào cải cách cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng”, nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục