Ocean Group: Mục tiêu lãi 570 tỷ đồng có khả thi?

(ĐTCK) Năm 2014 lỗ hơn 2.091 tỷ đồng sau kiểm toán, đưa vốn chủ sở hữu giảm về 1.079 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty dự kiến kế hoạch lãi 570 tỷ đồng, tức vốn chủ sở hữu sẽ đạt mức 1.650 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách cuối năm 2015 khoảng 5.500 đồng/cổ phiếu. 
Chuyển nhượng OTL với dự án chủ lực Starcity Center sẽ là thương vụ quyết định lợi nhuận năm 2015 của OGC Chuyển nhượng OTL với dự án chủ lực Starcity Center sẽ là thương vụ quyết định lợi nhuận năm 2015 của OGC

Mức giá hiện khoảng 2.500 đồng, OCG có phải là cơ hội đáng quan tâm với nhà đầu tư chứng khoán? Từ báo cáo tài chính của DN này có thể thấy, tài sản tồn nhiều, nhưng rủi ro lỗ tiềm tàng cũng rất lớn. 

Lợi nhuận năm 2015 đến từ đâu?

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã OGC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2014. Với thực trạng tài sản, nguồn vốn như báo cáo, việc Ocean Group có lãi ở từng thương vụ là dễ nhận thấy, nhưng cũng quá nhiều rủi ro tài chính có thể phát sinh. Kế hoạch 570 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015 dường như khá mong manh và hiện rất khó để NĐT có thể dự báo chính xác.

Không giống như nhiều doanh nghiệp khác, nơi các tài sản được hạch toán thẳng trên báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp, BCTC của Ocean Group dù phản ánh quy mô tài sản của Công ty lên tới 5.890 tỷ đồng, nhưng các tài sản của Công ty chủ yếu được hạch toán dưới dạng các khoản phải thu, phải trả, tạm ứng. Vì thế, rất khó đánh giá khả năng sinh lời của tài sản này, nếu không phải là người có trực tiếp thông tin chi tiết từ doanh nghiệp.

Thuyết minh của Ocean Group cho thấy, các tài sản của Công ty chủ yếu tồn tại ở việc sở hữu cổ phần, các quyền tham gia dự án bất động sản, ngoài ra là một số tài sản ở dạng quyền sử dụng (thuê) trung tâm thương mại, đặt cọc mua cổ phiếu… đã được Công ty ký nhận quyền sở hữu và ký bán, nhưng không hạch toán trực tiếp dưới tên Ocean Group.

Trong khi đó, tài sản cố định hữu hình, chi phí xây dựng dở dang của Công ty đều có số dư rất nhỏ. Thêm vào đó, dòng tiền cạn kiệt, với lượng không nhỏ tài sản đều đã ở trong tình trạng nhận ứng trước tiền bán từ đối tác trong bối cảnh nguồn vốn cạn kiệt, khiến việc triển khai tiếp các dự án của Công ty sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc, giống như năm 2014, năm 2015, lợi nhuận của Công ty có thể sẽ đến chủ yếu từ việc bán các quyền tham gia dự án, hạch toán lợi nhuận các thương vụ chuyển nhượng cổ phần. 

Những tài sản có thể sinh lời

Từ BCTC năm 2014, NĐT có thể tìm thấy một vài thương vụ có thể được hạch toán lợi nhuận năm 2015 do đã có chi phí và doanh thu nhưng chưa hoàn tất thủ tục.

Trước hết là khoản phải thu, phải trả liên quan đến diện tích trung tâm thương mại tại Làng Quốc tế Thăng Long.

BCTC 2014 vừa được Công ty công bố cho thấy, Công ty đã thu về 249,192 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng 258,34 tỷ đồng tiền cho thuê diện tích sàn này trong vòng 45 năm từ CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương (nay là Vinmart – trích thuyết minh số 26 – doanh thu chưa thực hiện). Trong khi đó, tổng chi phí của Ocean Group cho diện tích Trung tâm thương mại này là 216,256 tỷ đồng (đã bao gồm VAT).

Điều này đồng nghĩa với việc, Ocean Group có thể hạch toán lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng từ hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng này.

Ngoài ra, còn khá nhiều thương vụ Ocean Group đã ký và đã thu tiền về, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, có thể dẫn tới việc hạch toán lợi nhuận trong năm nay như: chuyển nhương toàn bộ cổ phần Trung tâm Văn hóa Thể thao Giải trí Hà Nội (Starbowl) cho Vincom Retail (đã thu về 284,85 tỷ đồng); chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH cho CTCP Tài chính Điện lực (đã thu trước 240 tỷ đồng, lớn hơn gần 40 tỷ đồng so với giá trị sổ sách số cổ phiếu trên tại thời điểm cuối năm 2014); chuyển nhượng văn phòng, tầng 1, 2 trung tâm thương mại khách sạn Ninh Bình Plaza; chuyển nhượng khu thương mại thuộc SSG Tower (với chi phí đã chi là 198,226 tỷ đồng, đã nhận tạm ứng thu về 200 tỷ đồng… Tuy nhiên, lợi nhuận từ các thương vụ này không lớn.

Bên cạnh các giao dịch đã thực hiện nhưng chưa kết chuyển lợi nhuận (không lớn), thuyết minh BCTC của Ocean Group cho thấy, Công ty còn nhiều quyền tham gia các dự án bất động sản đang hoặc sẽ triển khai như dự án Trung tâm thương mai, văn phòng và khách sạn tại Hạ Long, Quảng Ninh; dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ tại khu đất 4.362 m2 trên đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội; dự án tổ hợp thương mại, tài chính dịch vụ và nhà ở Đại Dương tại Can Lộc, Hà Tĩnh; dự án khu đô thị số 1 thuộc khu đô thị mới phía Nam thành phố Bắc Giang…

Tuy nhiên, khả năng bán quyền tham gia các dự án này để kết chuyển thành lợi nhuận là không dễ dàng.

Khoản thu nhập lớn hơn có thể đến cho Công ty là bán quyền tham gia dự án mà Công ty trực tiếp sở hữu hoặc gián tiếp qua công ty con, công ty cháu. Còn nhớ, năm 2014, với việc chuyển nhượng CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương thu về trên 676 tỷ đồng lợi nhuận và lãi 233 tỷ đồng từ bán cổ phần CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương. 

Những ngày gần đây, thông tin Ocean Group bán vốn tại Đại Dương Thăng Long (OTL) với mức giá tối thiểu 18.000 đồng/cổ phiếu gây xôn xao dư luận. Với mức đầu tư cuối năm 2014 là 900,75 tỷ đồng, giả định bằng đúng giá trị mệnh giá cổ phần, thì mức lợi nhuận Công ty nhận được là 720 tỷ đồng từ thương vụ này trên tổng dòng tiền về hơn 1.600 tỷ đồng. 

Những khoản lỗ tiềm tàng

Với tình trạng khó khăn của Ocean Group năm 2014, điều thị trường có thể nhận biết dễ dàng là những gì bán được, có lợi nhuận lớn hầu như đã được bán; những tài sản còn lại, có thể không dễ dàng mang lại dòng tiền cho Công ty. Bán OTL, Ocean Group có thể thu dòng tiền 1.600 tỷ đồng, nhưng Công ty cũng có tới 380 tỷ đồng phải trả chính OTL (có thể sẽ phải tất toán trước hoặc sau khi hoàn tất thương vụ), hơn 495 tỷ đồng khoản tiền OTL ứng cho Công ty để tham gia dự án tại Quảng Ninh và tới 1.300 tỷ đồng nợ ngắn hạn.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, năm 2015, thanh khoản của Ocean Group tiếp tục chưa thể được cải thiện nhiều. Điều này dẫn đến khả năng OGC sẽ cắt lỗ ở một số dự án bất động sản, để tập trung nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng thu hồi tiền của Công ty như Báo cáo kiểm toán đã đề cập vẫn đang hiện hữu.

Ngoài các khoản lỗ tiềm tàng có thể có tại 2 đơn vị có vốn góp của Ocean Group là OCS và OCH, bản thân Ocean Group cũng có hơn 1.000 tỷ đồng các khoản phải thu, ứng trước được kiểm toán cho rằng “chưa có cơ sở đánh giá khả năng thu hồi, trong tổng tài sản 5.890 tỷ đồng”. Đa số các khoản phải thu, trả tiền trước này đều liên quan đến các dự án, nên khả năng thu hồi các khoản này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng Ocean Group bán quyền tham gia một số dự án được nói ở trên.

Với thực trạng này, việc Ocean Group có thể thu được con số lợi nhuận 570 tỷ đồng là có thể, nhưng việc hạch toán được lợi nhuận cả năm 2015 ở mức này lại dường như không dễ dàng.

Thanh Trà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục