Ocean Group: Chuyện lạ về hai kỳ đại hội

(ĐTCK) Trong tháng 4/2019, cổ đông của CTCP Tập đoàn Đại dương - Ocean Group (OGC) nhận được hai lá thư mời tham dự họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và thời gian dự họp chỉ cách nhau vỏn vẹn 3 ngày. 

Ngày 24/4 tới sẽ diễn ra ĐHĐCĐ bất thường của Ocean Group. Đây là phiên họp được triệu tập theo đề nghị của nhóm cổ đông nắm giữ 10,2% cổ phần. Chỉ sau đó 3 ngày, ngày 27/4, Ocean Group sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Vậy lý do nào khiến ĐHĐCĐ lại được triệu tập bất thường ngay trước thềm đại hội thường niên của doanh nghiệp này?

Theo nội dung cung cấp, nhóm cổ đông gồm 6 thành viên triệu tập Đại hội nhằm mục đích bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Tiến trình này nhằm củng cố và ổn định tổ chức của OGC.

Cụ thể, với Hội đồng quản trị, Đại hội sẽ tiến hành lấy ý kiến về việc bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Hà Trọng Nam và miễn nhiệm ông Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Giang Nam.

Với Ban Kiểm soát, Đại hội sẽ tiến hành lấy ý kiến miễn nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng. Thay vào đó, nhóm cổ đông này cũng dự kiến trình lên danh sách ứng cử viên cho Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát lần lượt bao gồm bà Nguyễn Thị Thu Thùy, ông Mai Hữu Đạt và bà Nguyễn Hương Nga.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, Hội đồng quản trị OGC nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã được bầu ra gồm 5 thành viên; trong đó có 1 thành viên độc lập. Tuy nhiên, vì lý do bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngày 23/1/2019, ông Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Giang Nam đã có đơn đề nghị với nguyện vọng từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị nếu được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Mặt khác, trong nhiệm kỳ, ông Hà Trọng Nam và bà Nguyễn Thị Lan Hương đã có những hành vi không đúng chuẩn mực của người quản lý doanh nghiệp và bị đề nghị ĐHĐCĐ xem xét bãi nhiệm.

Như vậy, trường hợp ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc miễn nhiệm ông Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Giang Nam và đồng ý bãi nhiệm ông Hà Trọng Nam, bà Nguyễn Thị Lan Hương thì cần bổ sung thêm thành viên để đảm bảo số lượng thành viên theo quy định tại Điều lệ Công ty.

Xung đột nội bộ tại OGC diễn ra ngày một căng thẳng, nhất là khi nhóm bà Nguyễn Thị Lan Hương và bà Hoàng Thị Phương Lan không tham gia phiên họp Hội đồng quản trị hồi tháng 3 vừa qua do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập, không công nhận việc xin ý kiến bằng văn bản cũng như không tán thành việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Trong bối cảnh này, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC khẳng định vẫn tiếp tục tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 27/4 tới.

Việc tổ chức đại hội bất thường để tiến hành miễn nhiệm các thành viên trên để tái lập Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2014 - 2019 nếu thành công sẽ góp phần cho ĐHĐCĐ thường niên diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, pháp lý của hai kỳ đại hội cách nhau 3 ngày đang là câu hỏi ngỏ và trên TTCK chưa từng có doanh nghiệp nào diễn ra câu chuyện tương tự.

Có thể nói, dù Hội đồng quản trị đầy đủ thành viên theo quy định nhưng OGC vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng nhân sự cấp cao kể từ 2014 đến nay. Trong bối cảnh tranh chấp ngày càng căng thẳng thì hoạt động kinh doanh của OGC vẫn chưa có nhiều điểm sáng.

Năm 2018, OGC đã thoát cảnh lỗ ròng với lợi nhuận sau thuế đạt 48,3 tỷ đồng, tuy vậy trên báo cáo tài chính hợp nhất, kiểm toán viên vẫn đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ về các khoản nợ phải thu, góp vốn với đối tác. Ban lãnh đạo Công ty cũng cho biết, do khó khăn về nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư, các dự án chưa thể triển khai do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công nợ phải thu vẫn còn lớn và áp lực về các khoản công nợ đến hạn phải trả còn lại vẫn nặng nề. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay cũng khó khăn.

Phương án kế hoạch kinh doanh sẽ được trình lên cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên tới. Trước đó, OGC dự định kế hoạch kinh doanh năm 2019 khoảng 1.116 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng.

Tuy vậy, kế hoạch này khá bấp bênh bởi con số mục tiêu trên được xây dựng dựa trên giả định Khách sạn Sunrise Hội An vẫn thuộc tài sản kinh doanh của IOC trong năm 2019. Khách sạn Sunrise Hội An thuộc Công ty IOC - công ty con của CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương - OCH đã bị kê biên để xử lý các khoản nợ của IOC, nếu như việc xử lý tài sản này diễn ra trong năm 2019 thì kế hoạch doanh thu lợi nhuận trên sẽ bị điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục