Để đạt được kết quả nói trên, OCB phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí gắt gao như: kết quả kinh doanh, bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm dịch vụ, năng lực lãnh đạo, nguồn nhân lực, trách nhiệm doanh nghiệp và cam kết bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng năm 2018 ước tăng khoảng 40%; tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tiến tới 13,6%.
Trong khi đó, với OCB, cả hai chỉ số này đều vượt xa mức trung bình chung toàn ngành, với lợi nhuận sau thuế cao gấp 2,15 lần năm 2017, ROE đạt tới 24% - mức tỷ suất thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu toàn hệ thống.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, câu chuyện đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng hiện là mối quan tâm hàng đầu của các nhà băng và đang là xu hướng chủ đạo của các CEO cũng như quản lý cấp cao.
Tuy nhiên, người cầm trịch cần có sự kiên định, quyết tâm trong đổi mới tư duy, xây dựng những sáng kiến chiến lược có sự rà soát chặt chẽ nhằm phát triển doanh nghiệp, cụ thể trong việc chuyển đổi số hay thay đổi mô hình kinh doanh ngành ngân hàng.
Những kết quả của OCB trong công cuộc đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số này có thể chia thành 2 lĩnh vực.
Thứ nhất là đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới phục vụ khách hàng.
Đơn cử, năm 2018, OCB đã là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam cho ra mắt nền tảng ngân hàng hợp kênh OCB OMNI và trong năm 2019 ngân hàng sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm mới.
Thành tựu thứ 2 là OCB đã có những cải tiến đi vào thực chất để thay đổi các quy trình nội bộ làm tăng năng suất lao động và giảm chi phí hoạt động.