Trong đó, IFC sẽ cung cấp cho OCB khoản vay trị giá 100 triệu USD, có kỳ hạn 3 năm bao gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý theo Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn MCPP (Managed Co-Lending Portfolio Program - MCPP).
Gói tín dụng trung dài hạn này sẽ giúp OCB mở rộng các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khoản vay này sẽ được ưu tiên dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết, gói tài chính này với hợp phần huy động lớn được kỳ vọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có tác động xúc tác cho các hoạt động tài trợ cho phụ nữ, vốn đang ở thời điểm quan trọng của quá trình huy động vốn tư nhân dài hạn nhằm phục vụ cho các mục tiêu quan trọng của đất nước như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của OCB trở thành ngân hàng hàng đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thông qua tìm kiếm các cơ hội mới và triển khai các giải pháp đổi mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Vivek Pathak phát biểu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, nằm trong khuôn khổ buổi Lễ ký kết, bên cạnh gói tín dụng 100 triệu USD, IFC còn cung cấp cho OCB “Chương trình Tư vấn Phát triển Tài trợ Chuỗi cung ứng (SCF – Supply Chain Finance)” gồm 3 giai đoạn: Xây dựng mô hình Vận hành chuỗi; Lựa chọn và tích hợp nền tảng công nghệ kết nối, Xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh.
Với sự hỗ trợ của IFC, OCB sẽ xây dựng nền tảng điện tử phục vụ cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ việc cấp vốn cho các giao dịch thương mại một cách minh bạch và hiệu quả.
Dựa vào khoản vay nói trên, sắp tới OCB sẽ có những gói vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường khoảng 7%/năm và lãi suất này có thể cố định trong một khoản thời gian để tạo điều kiện cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ổn định về chi phí tài chính.
Trong năm tài chính 2018, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt 23 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.